Đòi mở lại lò mổ heo Xuyên Á, các tiểu thương kéo đến tận hội thảo

(SHTT) - Khi nghe tin Đồng Nai tổ chức hội thảo tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi nhiều tiểu thương đã đến đây để yêu cầu cho lò mổ Xuyên Á, TP.HCM hoạt động lại.

Ngày 8/11, nhiều tiểu thương đã đến nơi diễn ra tại hội thảo tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc, do Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai phối hợp một số cơ quan tổ chức.

Thương lái tới Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị cho lò mổ Xuyên Á hoạt động trở lại Ảnh: A LỘC 

Xin lò mổ Xuyên Á hoạt động lại vì chi phí tăng

Bà Bùi Thị Thủy, thương lái ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), có mặt trong nhóm tiểu thương đòi cho lò mổ Xuyên Á hoạt động lại ,cho biết trước đây giá giết mổ heo chỉ 5.000 đồng/con. Thương lái từ Đồng Nai lên TP.HCM không có chỗ mổ kể từ ngày lò mổ Xuyên Á bị đình chỉ và giá giết mổ tăng lên 140.000 - 150.000 đồng/con. Thậm chí, bà và một số tiểu thương khác phải đánh xe ra tận huyện Trảng Bàng, Tây Ninh để giết mổ. 

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết mỗi ngày có hơn 3.000 con heo cung ứng cho TP.HCM nhưng bị ách tắc, phải chạy đi các nơi khác, có thể làm mất kiểm soát về an toàn thực phẩm. Ngành chăn nuôi càng khó khăn vì điều này có thể dẫn đến người tiêu dùng càng tẩy chay.

Cho rằng sự cố tại lò mổ Xuyên Á khiến niềm tin của người tiêu dùng lung lay do đó, truy xuất nguồn gốc càng trở nên cấp bách - đó là phát biểu tại hội thảo của ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM.

TP.HCM sẽ triển khai giai đoạn 2 dự án và tiến tới việc truy xuất nguồn gốc trong giai đoạn chăn nuôi vào 2018, vì thế ông Hòa mong muốn Đồng Nai tiếp tục đồng hành với TP.HCM trong việc triển khai dự án và quan tâm phát triển thương hiệu heo Đồng Nai để tạo sự khác biệt.

Vì doanh nghiệp FDI nên khó giảm đàn?

Ông Nguyễn Nhiên Tường - một hội viên Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tham gia hội thảo cho rằng: không chỉ người dân mà cả doanh nghiệp FDI cũng thua lỗ vì giá heo bị khủng hoảng thời gian qua là do cung vượt cầu. 

Ông Tường nói thêm mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ "phá sản" rất nhiều nhưng lượng heo vẫn không giảm do các công ty lớn tăng đàn, do đó người dân và các doanh nghiệp FDI cần ngồi lại với nhau để kiểm soát lượng cung.

Ông Phan Minh Báu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết: tổng đàn heo trên địa bàn hiện trên 1,7 triệu con, giảm khoảng 2 triệu con so với đầu tháng 4-2017, đã có dấu hiệu tăng lại. 

Hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lỗ khoảng 1 triệu đồng/con heo xuất bán, các trang trại dùng thức ăn hỗn hợp hoặc tự phối trộn thức ăn lỗ trung bình 200.000 - 500.000 đồng/con. 

Còn các doanh nghiệp FDI lời từ 1.000 đồng/kg đến huề vốn do giá bán cao hơn, tự sản xuất được giống...

Phương Thùy (t/h)