Sắp diễn ra chuỗi triển lãm thương mại quốc tế ngành sơn, giấy, cao su, nhựa tại TP.HCM

Bốn triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa sẽ diễn ra từ ngày 14-16/6/2023 tại Trung tâm hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị khởi động chuỗi triển lãm, ông Nguyễn Bá Vinh -  Giám đốc VEAS, Ban tổ chức triển lãm – cho biết trong 10 năm qua triển lãm ngành sơn, giấy, cao su, nhựa đã trở thành một điểm hẹn giao thương quốc tế thường niên giữa các ngành công nghiệp này. Dự kiến triển lãm lần này có quy lớn hơn năm 2022 khoảng 50%, với gần 230 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày.

Với vai trò là một điểm hẹn giao thương quốc tế, chuỗi triển lãm công nghiệp sơn, giấy, cao su, nhựa là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua và các chuyên gia kỹ thuật đẩy mạnh kết nối và hợp tác kinh doanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch vừa qua. Đồng thời, triển lãm giúp các bên cập nhật sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ mới và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.

Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước.  

Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa Chất – Bộ Công thương - nhấn mạnh ngành sơn, giấy, cao su, nhựa là những ngành công nghiệp bản lề hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Trong những năm gần đây, thị trường phát triển với đa dạng các loại sản phẩm, tuy nhiên điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại về môi trường và sức khỏe con người. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng và doanh nghiệp chung tay để khắc phục, việc xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đặt ra nhiệm vụ không hề nhỏ.

Năm 2022, ngành sơn và mực in của Việt Nam đã gặp nhiều thách thức, trong đó có sự đứt gãy nguồn cung của thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Lạc Huyền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, những sản phẩm xuất khẩu, tiêu dùng giảm kéo theo sự sụt giảm của ngành sơn và mực in. Chẳng hạn, bất động sản đóng băng dẫn đến lượng sơn xây dựng bán ra thị trường cũng sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, sơn gỗ là ngành đáng tự hào phục vụ thị trường xuất khẩu thế nhưng hầu như các đơn hàng đều giảm do lạm phát và hạn chế tiêu dùng dẫn đến sự sụt giảm tiêu thụ từ 40-50% trong năm 2022.

Với ngành giấy và bột giấy, ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - cho biết tình hình sản xuất năm 2022 ngành giấy có đến 90% sản lượng là giấy bao bì. Hiện Việt Nam sản xuất giấy bao bì lớn nhất Đông Nam Á. “Chúng ta đã sản xuất một lượng lớn hàng phụ trợ cho các ngành kinh tế khác, gần như tất cả các ngành thủy sản, dệt may, điện tử và đặc biệt là thương mại điện tử, bởi nếu không có hộp giấy thì rất khó mua bán trực tuyến”, ông Sơn cho biết.

Trong năm 2022, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong số này có 130 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội và chiếm đến 90% công suất toàn ngành, đa số là sản xuất giấy bao bì. Trong 5 năm qua, ngành giấy phát triển vượt bậc, mỗi năm tăng trưởng hơn 10% về năng lực sản xuất. Ông Sơn nhận định năm 2023 là năm khó khăn với ngành giấy, từ tháng 9/2022 đến nay, từ sản xuất cho đến tiêu dùng, xuất nhập khẩu đều sụt giảm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nêu lên thách thức lớn với ngành giấy là việc sản xuất bột giấy. Dù là một nước dồi dào nguyên liệu nhưng thực tế Việt Nam đang phải nhập khẩu rất nhiều bột giấy. Đáng nói, Việt Nam xuất khẩu nhiều dăm gỗ để làm bột giấy, đồng nghĩa với việc chúng ta đang xuất thô, dẫn đến việc mất lợi thế cạnh tranh so với các nước.

Lý giải điều này, ông Sơn cho biết Việt Nam có tiềm năng sản xuất bột giấy nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vì sức đầu tư rất cao. Bên cạnh đó, chính sách để tiếp cận nguyên liệu gặp khó khăn như sở hữu đất đai, rừng… cũng là rào cản. Nhân lực ngành giấy thiếu và yếu là thách thức lớn, thiếu kỹ sư chuyên ngành, điều này dẫn đến sự tụt hậu so với các nước.

Với ngành cao su và nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cao su và Nhựa TP.HCM - cho rằng Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu cao su lớn. Hơn nữa nếu như trước đây nước ta chỉ xuất thô thì gần đây hàm lượng cao su chế biến tăng lên, từ chỗ xuất thô chiếm đến 80% hiện nay chỉ còn 35%. Để kiểm soát phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, sắp tới đây ngành nhựa vào cao su sẽ được áp dụng phí tái chế trên đầu sản phẩm.

Trong thời gian đến, ngành sơn, giấy, cao su, nhựa tiếp tục hướng đến phát triển bền vững. Từ đó hướng đến nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu hướng tất yếu của các ngành sản xuất chế biến, chế tạo. Muốn làm được như vậy trước mắt cần giải quyết các vấn đề như chủ động đối với nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm gánh nặng chi phí nhập khẩu, nâng cao ý thức người dân, phân loại rác đầu nguồn tạo thuận lợi cho việc tái chế… Điều này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của nhiều bên, đặc biệt là nhận thức của chủ doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn và vai trò của cơ quan quản lý, có như vậy mới mở ra được hướng phát triển xanh như kỳ vọng.

Võ Liên