Đìu hiu khám bảo hiểm tại trạm y tế

Qua một năm triển khai, đến nay TPHCM đã có 121 trạm y tế (TYT) được thẩm định đủ tiêu chuẩn khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu. Tuy nhiên, dù được đầu tư về nhân lực, vật lực nhưng lượng bệnh nhân đến khám BHYT ở TYT vẫn rất ít, nhất là ở các quận nội thành.

Đâu bằng… bệnh viện

Trạm Y tế xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM) được xây dựng khang trang trên diện tích 5.000m². Trạm có nhiều phòng như: phòng xét nghiệm, chích ngừa, khám thai, phụ khoa, y học cổ truyền, phòng lưu bệnh, siêu âm, phòng thủ thuật, tiệt trùng, hậu sản… Thế nhưng, nhiều phòng có ngày phải khóa cửa vì quá ít bệnh nhân đến khám. Một bác sĩ của trạm cho biết, đã nhận khám chữa bệnh (KCB) ban đầu bằng thẻ BHYT từ năm 2011, nhưng rất ít người đến đăng ký. Mỗi ngày, TYT khám theo diện BHYT chỉ được 1 - 2 người nhưng những bệnh nhân này cũng đăng ký BHYT tại bệnh viện huyện chứ không đăng ký ở TYT. Khi được hỏi, bà Hoàng Thị C. (ngụ gần trạm y tế Nhơn Đức) cho biết: “Lên bệnh viện cho chắc. Tui mua BHYT ở bệnh viện huyện rồi”… Tương tự, là một trong những TYT “chuẩn” của huyện Bình Chánh, TYT xã Vĩnh Lộc A có cơ ngơi một trệt, một lầu trên khuôn viên diện tích xấp xỉ 500m². Theo BS Phan Thanh Tùng, cán bộ TYT, hiện trạm đã đạt chuẩn quốc gia về nhân sự, trang thiết bị có X-quang, điện tim và các phòng chuyên môn như phòng nha, xét nghiệm sinh hóa, đông y, sản nhi, cấp cứu… Mỗi ngày, TYT Vĩnh Lộc A khám cho khoảng 80 - 100 bệnh nhân nhưng chủ yếu là các bệnh nhẹ, số người khám theo diện BHYT ban đầu rất ít.

Theo ghi nhận của Bảo hiểm xã hội TPHCM, chỉ số ít người dân đăng ký khám BHYT ban đầu ở TYT các quận, huyện ngoại thành, còn ở các quận nội thành chưa đáng kể. Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết, ở các quận nội thành tập trung quá nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa nên người dân không cần đến TYT mà đến thẳng bệnh viện. Chính vì thế, việc đầu tư triển khai khám BHYT cho các TYT ở nội thành có thể sẽ lãng phí! Điều này đã từng được chứng minh là trước khi áp dụng thực hiện KCB BHYT tại TYT phường, xã, TPHCM đã thí điểm tại 3 phường của quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, những tháng đầu, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện quận xuống TYT phường khoảng 30 - 40 người/tháng, nhưng những tháng sau con số này chỉ còn 5 - 6 người.

Cần niềm tin!

* Theo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 của Bộ Y tế, một trong những mục tiêu cơ bản là xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn và cơ sở vật chất, trang thiết bị TYT đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu của người dân tham gia BHYT, đảm bảo 100% số TYT tổ chức KCB BHYT vào năm 2015; có cơ chế khuyến khích người tham gia BHYT đăng ký KCB BHYT ban đầu tại TYT…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng nghiệp vụ giám định (Bảo hiểm xã hội TPHCM), qua hơn một năm triển khai khám BHYT ban đầu xuống TYT, cơ quan này đã thẩm định đủ điều kiện cho 121 TYT của 23 quận, huyện. Thống kê cho thấy, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã cấp khoảng 20.000 thẻ BHYT cho người dân đăng ký KCB ban đầu tại TYT. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đến khám vẫn rất ít, chủ yếu ở một số TYT vùng ngoại thành do đặc thù xa bệnh viện. “Chủ yếu vẫn ở TYT các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi. Còn các quận, huyện khác rất ít người đến TYT khám”, bà Hằng nói.  Theo Sở Y tế TPHCM, KCB BHYT ban đầu ở tuyến y tế phường xã là chủ trương giúp giảm tải cho các bệnh viện quận huyện và tuyến trên. Mặt khác gắn kết với mô hình bác sĩ gia đình giúp người dân không cần phải đi khám bệnh xa và chờ đợi. Thế nhưng, thực tế các TYT chưa đủ để tạo niềm tin về chất lượng cho người dân.

Tại buổi giám sát vừa qua của Ban Văn hóa-xã hội HĐND TPHCM với công tác y tế dự phòng tại quận Gò Vấp, cho thấy quận này đã có 5 phòng khám bác sĩ gia đình ở 5 TYT hoạt động từ tháng 3-2014, nhưng sau 7 tháng hoạt động chỉ tiếp nhận và làm hồ sơ bệnh án được… 9 bệnh nhân. Ngoài ra, 7 TYT khác của quận Gò Vấp đủ điều kiện KCB BHYT ban đầu nhưng người dân đăng ký cũng rất… lèo tèo. Nguyên do Trung tâm Y tế dự phòng quận quản lý TYT nhưng lại không có chức năng khám chữa bệnh, nên khi triển khai khám chữa bệnh BHYT tại TYT thì phải thông qua bệnh viện quận để ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội thành phố, gây khó khăn cho hoạt động KCB của người dân… Theo các chuyên gia y tế,  mặc dù ngoài điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, những TYT có khám BHYT còn phải có tối thiểu 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng, nhưng vẫn chưa thu hút được người dân. “Vận động người dân đến khám tại TYT là cần thiết nhưng tùy thuộc vào điều kiện KCB có đủ khiến dân tin hay không”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhìn nhận. Một số chuyên gia y tế cũng cho rằng, đội ngũ y sĩ, bác sĩ cũng như các trang thiết bị, cơ sở vật chất của các TYT nghèo nàn, chưa sẵn sàng cũng như chưa đủ năng lực tiếp nhận KCB chất lượng. Phần lớn các TYT hiện nay chưa thực hiện được đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật y tế theo danh mục kỹ thuật chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành. Mặt khác, quyền lợi cho người bệnh sử dụng BHYT ở TYT chưa cao như chưa ưu tiên người đăng ký BHYT ở TYT được quyền khám ở tuyến bệnh viện quận/huyện mà không cần xin chuyển viện hay được khám ở tất cả các TYT và bệnh viện quận/huyện trên địa bàn mà không phải chịu phí trái tuyến 30% như quy định hiện hành… “Vấn đề là khuyến khích và ưu đãi quyền lợi người đăng ký BHYT ở TYT chứ không phải thêm rào cản”, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết.

Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm đơn vị này phân bổ khoảng 30 tỷ đồng vốn sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các TYT, chưa kể chính quyền các quận, huyện cũng có nguồn vốn cho TYT. Thế nhưng, phần lớn TYT còn thiếu nhân lực chuyên môn, trang thiết bị, cơ chế đãi ngộ hạn hẹp nên chưa tạo được uy tín và nâng cao chất lượng cho TYT. Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho rằng TYT cần được đầu tư đúng mức để những bệnh thông thường đều khám, chữa trị được.