Khuyến mại khủng dịp cuối năm: Người tiêu dùng cảnh giác với hàng giả

(SHTT) - Cuối năm là dịp các cửa hàng, doanh nghiệp tung ra những chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm, người tiêu dùng nhờ đó cũng có cơ hội sở hữu hàng hóa, dịch vụ giá rẻ. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái 'lộng hành'.

Không ít người tiêu dùng suy nghĩ mua đồ vào những dịp cuối năm sẽ tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn, bởi đây là thời gian mà các cửa hàng tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại lớn để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng những dịp khuyến mại này, trà trộn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để móc túi người tiêu dùng.

Rất nhiều người cho biết, các đợt khuyến mại giảm giá dồn dập khiến họ cảm thấy như rơi vào “ma trận”. Thay vì chỉ các chương trình sale chỉ xuất hiện một vài thời điểm trong năm, thì giờ đây các chương trình này liên tục xuất hiện. Chưa kể, để kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng bị biến tướng vì nhiều chiêu thức giảm giá ảo, xả hàng tồn của các đơn vị kinh doanh. Thông qua nhiều khuyến mại hấp dẫn, các nhà bán lẻ có thể đã tăng giá bán trước đó hoặc thậm chí “gài bẫy” bằng các chiêu quảng cáo thổi phồng nhắm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ghi nhận thực tế, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá hơn 50%, thậm chí giảm từ 70-80% nhưng thực chất giá sản phẩm sau khi khuyến mại không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày. Thậm chí nhiều gian hàng cố tình đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống.

 

Đặc biệt, dịp cuối năm, người tiêu dùng cũng phải cẩn trọng với các loại lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia... Thời điểm này, tại hầu hết các chợ từ thành thị cho đến nông thôn, các quầy hàng đều bày bán nhiều loại bánh kẹo, các loại mứt, hạt hướng dương... Đáng ngại, nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng cũng được bày bán tràn lan và được quảng cáo là hàng nhập khẩu. Những loại này thường có mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại, giá lại rẻ nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thế nhưng, chúng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng lại bùng phát. Ngoại trừ những cửa hàng làm ăn uy tín nhận được hỗ trợ từ nhà cung cấp hoặc tự cân đối doanh thu, lợi nhuận để thực hiện khuyến mại nhằm tri ân khách hàng, hiện nay, có không ít cửa hàng chưa minh bạch khi khuyến mại. Trước áp lực chạy đua xả hàng, không ít đơn vị kinh doanh trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán cho người tiêu dùng hoặc dùng thủ thuật giảm giá ảo bằng cách đẩy giá gốc lên cao rồi giảm giá... 

Liên quan đến việc lừa đảo trên mạng xã hội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng.

Minh Thư