Thuốc lá điện tử: 'Chiêu bài' nhắm đến giới trẻ, hủy hoại thế hệ tương lai

(SHTT) - Thời gian vừa qua, các bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca trẻ em nhập viện vì ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử. Trên thực tế các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới.

Mới đây, gần chục học sinh trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phải nhập viện do hút thuốc lá điện tử. Khi theo dõi hệ thống camera, ban giám hiệu đã phát hiện sự bất thường của nhóm học sinh và kịp thời phối hợp xử lý cùng gia đình khi các em có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu do hút phải thuốc lá điện tử.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận trường hợp một bệnh nhi nam (15 tuổi) vào viện trong tình trạng co giật; có nhiều dấu hiệu ảnh hưởng về tinh thần.

Khi khai thác tiền sử, các bác sĩ mới phát hiện trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đã vài tháng do bị các bạn lớn tuổi hơn rủ rê. Các bác sĩ đã thu thập mẫu thuốc lá mà trẻ sử dụng để gửi đi xét nghiệm để phát hiện các chất độc hại có trong mẫu thuốc lá điện tử này.

Theo đó, vấn đề đáng chú ý qua các ca ngộ độc này là dụng cụ thuốc lá điện tử không chứa nicotine thông thường mà lại là vỏ bọc nguỵ trang của người lớn sử dụng ma tuý tổng hợp.

 

Đây chính là hồi chuông cảnh báo khi thuốc lá điện tử có thể xâm nhập vào trường học và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ nhà trường mà còn gia đình, xã hội để ngăn chặn những tình huống tương tự.

 Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.

Song song đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.

Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các có trong thuốc lá làm nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ...

Theo các chuyên gia, hiện nay thuốc lá điện tử rất đa dạng, nhiều hình thái khác nhau, rất khó quản lý, giám sát trong thành phần thuốc lá điện tử có những chất gì. Chưa nói đến việc có các chất gây nghiện trá hình trong thuốc lá điện tử; kể cả với những chất trong thuốc lá điện tử thông thường trên thị trường vẫn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của trẻ. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc lá điện tử bán tràn lan trên mạng, thành phần thực tế của các loại này còn không thể kiểm soát được, thậm chí rất nguy hiểm.

Đặc biệt, với trẻ vị thành niên, nhất là trong môi trường học đường, trẻ đang ở trong giai đoạn thích khám phá, dễ bị rủ rê, lôi kéo; nên nguyên tắc phòng ngừa trong sử dụng chất gây nghiện là phải có sự giám sát, quản lý của gia đình và nhà trường. Ở nhà, cha mẹ cần thực hiện giám sát các biểu hiện, quản lý các sinh hoạt của con. Ở trường, các thầy cô giáo cũng cần tăng cường quản lý, giám sát; đồng thời luôn luôn đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo về những nguy hiểm khi sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá điện tử.

Minh Thư