Đắk Lắk: Thiết lập và cấp mã số vùng trồng sầu riêng tại Krông Năng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng huyện Krông Năng (Đắk Lắk) tổ chức Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững; thiết lập và cấp mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu.

Tại hội nghị, các đại biểu là hội viên Hội Nông dân, hội viên Hội làm vườn và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây hồ tiêu và cây ăn quả được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; từng bước khai thác có hiệu quả và phát triển hồ tiêu bền vững, nâng cao giá trị, bảo đảm tính ổn định; hướng dẫn việc quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng cây sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện Krông Năng (Đắk Lắk).

Những vấn đề thảo luận, trao đổi, góp ý tại hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển hồ tiêu, cây ăn quả của tỉnh nói chung và của huyện Krông Năng nói riêng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp. 

Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu sẽ ngày càng được nâng cao nên đây là cơ hội để ngành hàng hồ tiêu thay đổi và phát triển phù hợp với xu hướng tiêu dùng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Sơn cho biết: "Diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện năm 2020 là 3.144, đến cuối năm 2022 giảm còn 2.096 ha, năng suất đạt 29 tạ/ha, diện tích cho sản phẩm khoảng 1.950 ha, sản lượng đạt 5.655 tấn. Nguyên nhân cây hồ tiêu giảm là do giá bán thấp và một số diện tích bị bệnh chết, từ đó người nông dân chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả khác có giá trị cao hơn".

Hiện nay, hồ tiêu không chỉ được biết đến là “Vua của các loại gia vị” mà còn là nguồn dược liệu quý dùng trong y học và cung cấp nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu sẽ ngày càng được nâng cao nên đây là cơ hội để ngành hàng hồ tiêu Việt Nam nói chung, huyện Krông Năng nói riêng thay đổi và phát triển phù hợp với xu hướng tiêu dùng.

Ông Trần Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết địa phương sẽ tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật để sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững. 

Thời gian tới, huyện Krông Năng sẽ tăng cường công tác tuyên tuyên, tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển hồ tiêu bền vững, đặc biệt là khâu chọn giống tốt, chọn đất phù hợp đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu.

Ngành chức năng địa phương sẽ hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn, tiến hành xử lý đất để tiêu diệt mầm mống bệnh; hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích trồng tiêu không hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp khác…

Cũng theo ông Trần Sơn, hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Năng diện tích cây ăn quả các loại khoảng 12.000 ha, trong đó cây sầu riêng có khoảng 4.700 ha (chủ yếu trồng xen canh), chiếm 10% diện tích cây ăn quả toàn huyện. Sản lượng sầu riêng thu hoạch của huyện trong năm 2022 khoảng 15.000 tấn và dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 30.000 tấn. Việc phát triển mạnh diện tích cây sầu riêng mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tiêu thụ. 

Thanh Hải