TP.HCM: Phát hiện gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ

Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa phát hiện, tịch thu 1.903 đơn vị sản phẩm áo, giày, dép, túi xách không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Cụ thể, chiều ngày 3/11, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 trực thuộc Cục QLTT TP.HCM đã phối hợp với Đội 7 - PC03, Công an TP.HCM kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của điểm kinh doanh và chứa trữ hàng hóa Nhật Si 68 tại đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Đông, TP.Thủ Đức, do ông N.K.H Linh làm chủ kinh doanh.

Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 1.903 đơn vị sản phẩm áo, giày, dép, túi xách chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam (gồm các nhãn hiệu nổi tiếng Louis Vuitton, Gucci, Dior,... ). Tổng giá trị số hàng hoá nói trên là hơn 195 triệu đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện lô hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lớn như Louis Vuitton, Gucci, Dior,... tại cửa hàng Nhật Si 68 đường Phạm Văn Đồng.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Linh cho biết toàn bộ hàng hóa nêu trên do ông làm chủ sở hữu. Hàng được mua trôi nổi tại thị trường trong nước, khi mua không có hóa đơn chứng từ, không rõ họ tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ cụ thể của người bán. Số hàng hóa mang nhãn các thương hiệu nổi tiếng mới được mua về trưng bày để bán nhưng chưa tiêu thụ thì bị kiểm tra, tạm giữ.

Cục QLTT TP.HCM đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Lực lượng chức năng đang kiểm đếm số lượng hàng hóa vi phạm.

Liên quan đến việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, trước đó, ngày 1/11, Tổng cục QLTT đã trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT TP.HCM kiểm tra Trung tâm thương mại Saigon Square tại địa chỉ số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1.

Tại đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra 6 điểm kinh doanh các mặt hàng như túi, ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci , Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.

Qua hơn 1 ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý thị trường đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.

Tại ngày đột kích thứ 2, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra 5 điểm kinh doanh tại Saigon Square, thu giữ hàng nghìn sản phẩm là túi xách, ví cầm tay, balo, thắt lưng, bông tai mang các nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Montblanc, Hermes, YVES SAINT LAURENT, BURBERRY.

Các sản phẩm thuộc hãng uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ cao bị làm giả, làm nhái.

Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã không còn quá xa lạ. Các tiểu thương/doanh nghiệp chẳng cần giấu mà công khai bán hàng giả cho khách.

Thực tế, các sản phẩm thuộc hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ cao bị làm giả, làm nhái. Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và làm mất uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Vì vậy, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý các đơn vị kinh doanh hàng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, cuộc đấu tranh này là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà đây là công việc của toàn xã hội. Trước hết doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm, không tiếp tay trong việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân để đẩy lùi vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

Thanh Thảo