Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong

(SHTT) - 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022.

Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, là những doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.

Qua gần 19 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Ngày 25/10/2022, chia sẻ tại Chương trình Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình là “chất lượng – đổi mới, sáng tạo – năng lực tiên phong”.

Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kỳ xét chọn THQG lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Thanh Mai