Thừa Thiên Huế: Quảng bá, phát triển nhãn hiệu tập thể mây tre đan Bao La

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Quỹ Phát triển KH&CN tổ chức Hội nghị nghiệm thu dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu mây tre đan của Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền” do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN chủ trì.

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo làng nghề truyền thống hay sản xuất, kinh doanh các sản vật địa phương tương đối phổ biến. Trong bối cảnh hiện nay, việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mây tre đan Bao La thực sự mang lại ý nghĩa to lớn. Nhãn hiệu giúp nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh, tạo ra những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn hơn cho doanh nghiệp; đồng thời, tránh được những tranh chấp về thương hiệu tại các thị trường nước ngoài.

Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu mây tre đan của Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền” có ý nghĩa trong việc tạo nên thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa làng nghề, tăng thu nhập cho người dân. Mục tiêu của dự án là thiết lập được hệ thống công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mây tre đan của Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm mây tre đan.

Theo ông Nguyễn Hải Đăng - Chủ nhiệm dự án, sau hơn 1 năm triển khai, dự án cơ bản hoàn thành các mục tiêu và nội dung theo tiến độ đã được phê duyệt. Cụ thể, đã điều tra khảo sát tình hình sử dụng, quản lý và phát triển nhãn hiệu Mây tre đan Bao La; xây dựng 3 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho 3 sản phẩm đặc trưng tại HTX là rổ rá, mâm khay, mẹt.

 Sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ của làng Bao La có lịch sử lâu đời.

Ngoài ra, đã in ấn 3.000 nhãn dán và thông tin về sản phẩm mây tre đan Bao La; xây dựng hệ thống công cụ quản lý, khai thác, phát triển, dấu hiệu nhận diện nhãn hiệu; có phương án tổ chức các hoạt động thương mại, hệ thống, phát triển thị trường và tiếp thị.

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá, khuyếch trương sản phẩm mang nhãn hiệu. Đặc biệt là hỗ trợ xác lập nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, làng nghề và các cơ sở sản xuất.

Theo báo cáo của Phòng QLCN – Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay cơ quan chức năng đã xác nhận 1 chỉ dẫn địa lý và 57 nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng bảo hộ như: Thanh Trà Huế, mây tre đan Bao La, Thủy Lập, tôm chua Huế, mộc Hương Hồ, bưởi cốm Hương Thọ, đúc đồng truyền thống Huế... Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy việc phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân.

  Mỗi tháng HTX mây tre đan Bao La sản xuất hơn 5 ngàn sản phẩm.

Riêng với sản phẩm mây tre đan Bao La, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã góp phần gìn giữ, bảo vệ giá trị văn hóa của địa phương cũng như khai thác giá trị kinh tế của sản phẩm địa phương phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu mây tre đan của Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền” sẽ là tiền đề để nâng cao sản lượng tiêu thụ, củng cố thêm giá trị thương hiệu của sản phẩm sau bao nhiêu năm xây dựng và gìn giữ nghề.

Đồng thời giúp nâng cao giá trị hữu hình cũng như vô hình đối với sản phẩm mây tre đan Bao La nói riêng và giá trị kinh tế, giá trị thương hiệu của huyện Quảng Điền. Dự án đồng thời cũng đánh thức khả năng tiêu thụ sản phẩm địa phương cũng như phát triển tiềm năng du lịch. 

Phan Hòa