Đề xuất chuyển toàn bộ bệnh viện công thành doanh nghiệp công ích

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đây đã có văn bản đề xuất về việc sử dụng các giải pháp công khai minh bạch nhằm quản lý tài sản và phòng chống tham nhũng trong ngành y tế.

Theo đó, để thúc đẩy minh bạch trong hệ thống bệnh viện công lập nhằm phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngăn chặn bội chi bảo hiểm y tế, giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước, VAFI đề xuất 4 giải pháp chính, trong đó, đáng chú ý đề xuất các bệnh viện công phải công bố thông tin như khối doanh nghiệp và chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích.

Cụ thể, theo đề xuất của VAFI, hệ thống bệnh viện công lập phải công bố thông tin chi tiết về tình hình hoạt động, tài chính, tuyển dụng nhân sự.

Đặc biệt, theo nhận định của VAFI, hiện nay có tình trạng suất đầu tư cho cơ sở vật chất, máy móc thiết bị y tế gấp đôi so với lĩnh vực y tế tư nhân; Giá mua hóa chất, vật tư, công cụ, dụng cụ y tế cao gấp hai tới ba lần so với các bệnh viện tư nhân…

Do đó, việc công khai thông tin chi tiết về đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các loại trang thiết bị, vật tư, thuốc men y tế của hệ thống bệnh viện công cũng là rất cần thiết để người dân có thể hiểu rằng từng loại vật tư y tế mua với giá bao nhiêu. Khi thực hiện được việc này thì tình trạng “ăn dày, ăn đậm” sẽ chấm dứt.

VAFI tính sơ bộ rằng, việc thực hiện công bố thông tin của hệ thống bệnh viện công lập sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm được từ 7.000 tỷ - 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng cho rằng, chế độ kế toán tài chính hiện hành cho các đơn vị sự nghiệp công lập là rất sơ sài, không hạch toán đầy đủ như doanh nghiệp Nhà nước. Chẳng hạn không hạch toán khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn… dẫn tới rất nhiều bệnh viện ỷ lại, trông chờ vào ngân sách Nhà nước rót hàng năm.

Nhiều bệnh viện dù hàng đầu vẫn không tự chủ được tài chính và vẫn trông chờ vào ngân sách Nhà nước rót hàng năm. 

Thực tế cho thấy, hiện nay hệ thống bệnh viện công lập có khoảng trên 2.200 đơn vị, đại bộ phận các bệnh viện này khai báo không tự chủ được tài chính, ngay cả bệnh viện hàng đầu, quá tải bệnh nhân như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy cũng không tự chủ tài chính được.

Trong khi đó, nếu nhìn vào tình hình hoạt động tài chính của khối bệnh viện tư nhân dù phải tự đầu tư từ đất đai, tòa nhà, máy móc, thiết bị nhân sự… không một đồng vốn nào của Nhà nước nhưng vẫn tồn tại phát triển được và có lãi.

Dựa trên lập luận nêu trên, VAFI đề xuất Bộ trưởng bộ Tài chính, Y tế nghiên cứu việc chuyển toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập sang mô hình doanh nghiệp công ích hoạt động theo luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong văn bản này, VAFI cũng kiến nghị về giải pháp xã hội hóa công tác thanh tra và thực hiện kiểm toán bắt buộc cho các đơn vị sự nghiệp công lập như với doanh nghiệp Nhà nước để công tác quản lý tài sản Nhà nước cũng như công cuộc phòng chống tham nhũng được công khai, minh bạch hơn và càng minh bạch bao nhiêu càng tránh được thất thoát ngân sách bấy nhiêu.

Theo Người Đưa Tin