Việt Nam học hỏi kinh nghiệm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo từ WIPO

(SHTT) - Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ. Buổi làm việc nhằm trao đổi về kinh nghiệm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương cũng như các sáng kiến, chương trình hợp tác khác.

Chuyến công tác của Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang làm trưởng đoàn, nhằm cụ thể hóa kết quả các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Thuỵ Sỹ, tháng 11/2021 và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ tại Pháp và Thuỵ Sỹ, tháng 7/2022.

Tại các buổi làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tại Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ, WIPO và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ về tình hình bảng xếp hạng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thời gian qua, trong đó chuyên gia WIPO đánh giá cao Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Indonesia là những điểm sáng trong bảng xếp hạng và dự đoán có thể tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng trong thời gian tới. Báo cáo xếp hạng GII năm 2022 dự kiến sẽ được WIPO công bố vào ngày 29/9/2022.

 Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngoài ra, chuyên gia WIPO cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Theo chuyên gia WIPO, hiện nay đã có một số nước triển khai thành công PII như Colombia, Ấn Độ hay Trung Quốc, và đánh giá cao sự quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng bộ chỉ số này nhằm tạo cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cấp địa phương, qua đó hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong quyết định đầu tư tại các địa phương của Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai nội dung này, cụ thể sau khi Việt Nam hoàn thiện dự thảo bộ chỉ số PII, WIPO sẽ nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam có thể hoàn thiện bộ chỉ số này.

Bên cạnh đó, WIPO cũng giới thiệu về một số dự án, chương trình hợp tác hiện đang được WIPO triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ở cấp quốc gia và địa phương, cụ thể: dự án Xây dựng mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (TISCs) và dự án Nâng cao năng lực cho các đơn vị trung gian về cung cấp dịch vụ hỗ trợ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có các buổi làm việc với Viện Sở hữu Công nghiệp Pháp (INPI) và Viện Quốc gia về nguồn gốc và chất lượng (INAO). Hai bên đã trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm của nước Pháp trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ở cấp quốc gia cũng như triển khai ở cấp vùng, miền (địa phương).

Một trong những vấn đề được Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm là cách thức triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Pháp trong bảo hộ và thương mại hóa các tài sản trí tuệ, cũng như hoạt động bảo hộ, quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý và các văn bằng bảo hộ khác. Đây là những thế mạnh của hệ thống sở hữu trí tuệ Pháp, đồng thời cũng là tiềm năng phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Thị trưởng thành phố Mâcon, thuộc tỉnh Bourgogne và Chủ tịch Hiệp hội sản xuất rượu nho của thành phố Mâcon. Đây là địa phương nổi tiếng với sản phẩm rượu vang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở miền trung nước Pháp, có nghề trồng nho truyền thống phát triển từ năm 1937.

Nhân dịp này, đoàn cũng đã đến khảo sát thực tế tại Trường đào tạo dạy nghề Davayé, ở ngoại ô thành phố Mâcon, một cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp của Cộng hòa Pháp, chuyên về lĩnh vực đào tạo trồng, thu hoạch, chế biến rượu vang và phomai. 

Qua các cuộc làm việc và khảo sát thực tế, các thành viên đoàn công tác, nhất là lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm tốt từ phía Pháp trong việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, giám sát, khai thác phát triển thương mại hóa cho các sản phẩm đã được bảo hộ, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đã được bảo hộ tài sản trí tuệ, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chính xác quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Minh Thư