Mì Hảo Hảo xuất sang Campuchia phải có chứng nhận kiểm tra Ethylen Oxide

(SHTT) - Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Campuchia chỉ bắt buộc chứng nhận kiểm tra ethylen oxide (ETO) đối với mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam.

 Mới đây, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đã làm rõ được thông tin Campuchia kiểm soát mì ăn liền Việt Nam liên quan chỉ tiêu ethylene oxide (EO).

Theo đó, Văn phòng SPS Campuchia cho biết sẽ không cho phép nhập khẩu lô "Mì Hảo Hảo hương vị gà" của Công ty CP Acecook Việt Nam mà châu Âu (EU) phát hiện nhiễm EO do thực hiện biện pháp phòng ngừa vì lợi ích sức khỏe cộng đồng của nước này.

Đồng thời, Campuchia cũng thông tin, chứng nhận kiểm tra Ethylen Oxide chỉ bắt buộc đối với "Mì ăn liền Hảo Hảo". Nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho cán bộ kiểm tra (hải quan và thuế) tại cửa khẩu. Việc kiểm tra thực tế có thể được tiến hành ở các lô hàng cho đến khi nếu 5 lô hàng liên tiếp không bị nhiễm Ethylen Oxide.

 Mì Hảo Hảo xuất sang Campuchia phải có chứng nhận kiểm tra Ethylen Oxide

Qua sự việc trên, ông Nam lưu ý các doanh nghiệp trong nước phải nắm vững các quy định của thị trường nhập khẩu, đồng thời duy trì liên hệ, thông tin với Văn phòng SPS Việt Nam để có hướng xử lý kịp thời trước những vấn đề phát sinh.

Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam cũng đã nhận được văn bản của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam liên quan đến việc mì Việt Nam sẽ bị kiểm soát chặt chẽ tại thị trường Campuchia. Điều này sẽ làm cho các đại lý của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tại Campuchia e ngại không dám nhập hàng.

Thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR), cho biết nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi.

Đồng thời cho biết thêm, Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo với hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất EO đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, EO không phải phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, song có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô. Tại EU, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm nhưng vẫn phát hiện dư lượng EO trong thực phẩm, ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối.

Thanh Hà