Hà Nội: 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022 - 2023

(SHTT) - Trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục thành phố Hà Nội sẽ coi việc tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra cho năm học mới.

Sáng ngày 12/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục thành phố Hà Nội trong năm học 2021 - 2022

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương thông tin về ngành Giáo dục Thủ đô tại điểm cầu Hà Nội 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã báo cáo về các kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT của thành phố trong năm học vừa qua.

Cụ thể, trong năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát hệ thống trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2.835 trường với 70.199 lớp, hơn 2 triệu học sinh; 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học.

Bên cạnh đó, trong thời gian đại dịch diễn biến căng thẳng, toàn ngành đã triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ 1.233 cán bộ giáo viên hơn 4 tỷ đồng. Trao hơn 10 ngàn thiết bị học trực tuyến trị giá hơn 30 tỷ đồng. Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Năm 2022, có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1464 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học.

Về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, Sở cũng luôn quan tâm thực hiện. Kết quả, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó, trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta.

 

Bên cạnh đó, mới đây, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cũng đã khánh thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến đã có 86% tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Học sinh Hà Nội đã đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

6 giải pháp trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023

Theo ông Trần Thế Cương, trong năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra 6 giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra cho năm học mới như sau:

Thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, nâng cao năng lực nhà giáo

Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục, cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, thích ứng với thời kỳ mới.

Ban hành chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội,

Tiếp tục xây dựng cải tạo trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn giáo dục đại trà thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường.

Ngành GD&ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, cho phép kí hợp đồng lao động với nhân viên làm công tác chuyên môn. Đồng thời kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Khánh An