Nhìn lại năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quan hệ thương mại với EU

Ngày 16/7, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM diễn ra buổi hội thảo “EVFTA và quan hệ thương mại Việt Nam – EU”, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh.

Hội thảo do Khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Tham dự hội thảo có sự góp mặt của hơn 20 chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại và các đại biểu quan tâm đến lĩnh vực quan hệ quốc tế, kinh doanh thương mại khác.

Ngoài ra còn có sự tham gia đông đảo của sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự buổi hội thảo. 

Buổi hội thảo được chia làm 2 phiên do PGS.TS. Trần Nam Tiến và TS. Bùi Hải Đăng làm chủ toạ.

Tại phiên báo cáo tham luận nhiều vấn đề được báo cáo bao gồm: Thị trường EU: Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh triển khai Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam-EU); Lợi ích của EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam) cho Việt Nam nhìn từ năng lực cạnh tranh quốc gia; Quan hệ thương mại Việt Nam – EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; Một số lĩnh vực du lịch nhằm thực thi EVFTA; Cam kết của EU về cung cấp dịch vụ qua biên giới trong EVFTA và EUSFTA.

Đối với vấn đề năng lực cạnh tranh quốc gia trình bày tại hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: “Căn cứ theo số liệu của diễn đàn kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh quốc gia thì Việt Nam đứng thứ 67 với 61,5 điểm. Trong khi đó, các quốc gia của EU đang đầu tư tại Việt Nam như Hà Lan (hạng 4), Đức (hạng 7), Pháp (hạng 15),.. thì cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất thấp so với các quốc gia EU”.

TS. Nguyễn Thanh Hoàng trình bày về "Lợi ích của EVIPA cho Việt Nam nhìn từ năng lực cạnh tranh quốc gia". (Ảnh: Kim Uyên)

Theo đó, trong số 12 yếu tố có 2 yếu tố có chỉ số thấp nhất trong năng lực cạnh tranh của Việt Nam là năng lực đổi mới sáng tạo và thể chế. Nếu muốn hưởng lợi từ EVIPA thông qua năng lực cạnh tranh thì phải tập trung vào cải thiện nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và thể chế.

“Cây xanh phải có rễ khoẻ mạnh mới hút được nước, chất bổ dưỡng, phải có lá tươi tốt thì mới quang hợp được. Cũng như Việt Nam cũng cần phải có năng lực thẩm thấu, năng lực cạnh tranh tương đương với đối tác thì mới mong nhận được lợi ích từ FTA nói chung và EVIPA nói riêng” - TS. Nguyễn Thanh Hoàng kết luận.

Thông qua phiên báo cáo tham luận, nhiều vấn đề cũng được các đại biểu tham gia đào sâu và phân tích rõ hơn ở phiên thảo luận, như: Thương hiệu các sản phẩm Việt tại thị trường châu Âu và thế giới, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, dự án bất động sản kích thích du lịch, những thách thức trong quan hệ thương mại với EU…..

Phiên thảo luận tại hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề và ý kiến được đặt ra. (Ảnh: Kim Uyên)

Phát biểu về các vấn đề thực tiễn tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo - ông Lương Hoàng Hưng chia sẻ: “Châu Âu là nơi có nền văn minh phát triển rất tốt với hơn 500 triệu người. Tuy dân số không bằng Châu Á nhưng đây vẫn là một thị trường khá lớn với Việt Nam nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội.

Tôi nghĩ các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm về lợi thế trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, xuất khẩu hàng hoá để làm sao gia tăng giá trị hàng hoá, đặc biệt là thương hiệu hàng hoá. Bởi hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU những sản phẩm thô, tuy nhiên xuất thô thì không có thương hiệu. Chúng ta cần xuất khẩu sản phẩm tinh chế thì lúc đó mới xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu phải ở tầm vĩ mô, phải có chiến lược để nâng cao vị thế các doanh nghiệp, để từ đó có được những sản phẩm có giá trị tương đương với thương hiệu”.

Hội thảo cấp Quốc gia “EVFTA và quan hệ thương mại Việt Nam – EU” là một diễn đàn học thuật. Đây cũng là nơi tạo cơ hội để các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong cả nước thảo luận chuyên sâu về nhiều chủ đề xoay quanh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với nước ngoài, đặc biệt chú trọng vào EVFTA. Dựa trên cách tiếp cận luật và kinh tế quốc tế, diễn đàn này đã phân tích những cơ hội và khó khăn đặt ra cho Việt Nam khi ký kết EVFTA. Thông qua đó tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy các lợi ích của Hiệp định trong tương lai.

Như Quỳnh