Giữ gìn và phát huy thương hiệu 'Chuối Laba Cầu Đất Xuân Trường'

Những năm gần đây, do giá cả bấp bênh và sự cạnh tranh từ nhiều địa phương khác nên người dân Cầu Đất Xuân Trường không còn mặn mà với cây chuối. Điều này đã ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng, cũng như thương hiệu “Chuối Laba Cầu Đất Xuân Trường”.

Cầu Đất - Xuân Trường nổi tiếng với những đồi chè, cà phê và hồng ăn quả trải dài bạt ngàn. Chuối Laba, hay còn có tên gọi là chuối Tiến Vua đã bén rễ ở vùng đất này gần 100 năm trước…

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là kể từ khi chuối Laba được Sở khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “chuối Laba đặc sản tỉnh Lâm Đồng”, một số hộ dân xã Xuân Trường đã bắt đầu trồng trở lại và thành lập Hợp tác xã “liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ Cầu Đất”.

Trong đó chủ lực là đặc sản chuối Laba Cầu Đất, chuối được trồng theo hướng công nghệ cao, chú trọng chất lượng và mẫu mã tại địa phương. Nhưng theo thời gian, loại chuối này có nguy cơ thoái hóa về giống và hầu như các hộ gia đình ở xã Xuân Trường chỉ còn trồng nhỏ lẻ là chủ yếu.

  Cây chuối Laba “đặc sản Đà Lạt” vùng Cầu Đất Xuân Trường.

Điêu đứng sau dịch Covid-19

Chuối Laba ngọt, thơm, dẻo, đã được trồng từ lâu trên đất Lâm Đồng. Giống chuối này rất thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vùng cao nguyên, đặc biệt xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Do khí hậu, thổ nhưỡng nên thời gian sinh trưởng của cây chậm hơn khoảng 3 tháng so với một số vùng đất khác. Bù lại do thời gian trồng dài nên độ ngọt tăng và lượng vitamin C cao hơn, trái đạt chất lượng. Một buồng chuối trưởng thành có thể nặng hơn 30 kg.

Anh Bùi Quang Trung  – Giám đốc Hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ Cầu Đất cho biết: "Chuối Laba hữu cơ Cầu đất Xuân Trường rất được ưa chuộng. Nhưng ngày càng có nhiều chuối Laba ở vùng khác xuất hiện với với giá thấp, mẫu mã đẹp hơn. Điều này đã khiến giá chuối giảm mạnh, nhiều hộ dân điêu đứng, chán nản, có hiện tượng bỏ bê vườn chuối. Diện tích trồng ngày một thu hẹp hơn."

Mặc dù, hợp tác xã (HTX) vẫn cố gắng duy trì, bao giá ổn định cho hội viên nhưng không thể đảm bảo về lâu dài. Hiện tại HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ Cầu Đất có 7 thành viên, mỗi thành viên canh tác từ 600 đến 800 gốc chuối xen canh dưới 1 ha, chưa kể còn liên kết với khoảng 200 hộ nông dân, HTX khác trong xã Xuân Trường và Xuân Thọ.

 Vườn chuối 5 năm tuổi của hội viên tham gia HTX đạt chuẩn Organic

Anh Tô Xuân Phong, hội viên từ những ngày đầu thành lập HTX trao đổi: "Thời điểm “nhãn hiệu chuối Laba của Xuân Trường” được công nhận thì nó đã tạo được chỗ đứng vững vàng trên thị trường và được nhiều người biết đến nên giá cả, đầu ra cũng ổn định. Năng suất bình quân của vườn tôi đạt 40 tấn/ha/ năm. Thu nhập trung bình trừ tất cả chi phí đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Nhưng không ngờ, khi dịch bệnh xảy ra đến nay, chuối Laba của các hộ dân canh tác trong đó có gia đình tôi lại không được tiêu thụ ổn định. Giá thấp kỷ lục chỉ bằng một nửa so với trước dịch. Dù vậy, tôi vẫn không bỏ cuộc, cố gắng từng ngày duy trì vườn chuối của mình".

 Đoàn kết - đổi mới - sáng tạo

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã phát huy tối đa vai trò của hội nông dân xã trong việc đưa ra nhiều giải pháp hướng dẫn hội viên áp dụng quy trình canh tác chuẩn Organic theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Làm sao để nâng tầm chất lượng và cho ra năng suất tốt nhất, với những buồng chuối đạt tiêu chuẩn, xứng danh nằm trong top “đặc sản Đà Lạt” để các HTX liên kết cùng với người dân Cầu Đất tiếp tục xây dựng, hướng đến phát triển bền vững “thương hiệu chuối Laba Cầu Đất Xuân Trường”. 

 HTX tại xã Xuân Thọ liên kết tiêu thụ chuối Laba Cầu Đất xã Xuân Trường.

Chị Lương Thị Yến Vân – Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt tại xã Xuân Thọ chia sẻ: "Công nhận “thương hiệu chuối Laba Cầu Đất Xuân Trường” chính là công nhận thành quả trí óc, sự nỗ lực bền bỉ không chỉ của riêng cá nhân hay một xã giỏi nào mà là cả một “thế hệ lao động” tại địa phương trong nhiều thập kỷ qua. HTX của tôi đã liên kết với các thôn tại xã Xuân Trường để hỗ trợ bà con tiêu thụ chuối Laba, mỗi ngày từ 4 đến 5 tạ. Tôi tin rằng những ai đã từng ăn chuối Laba ở vùng Cầu Đất Xuân Trường chắc chắn sẽ quay lại ủng hộ vì chất lượng và hương vị của nó".

Sự thành công của thương hiệu “chuối Laba Cầu Đất Xuân Trường” sẽ mở ra nhiều HTX mới cho người dân 2 xã Xuân Thọ và Xuân Trường liên kết thương lái, mở rộng canh tác, áp dụng công nghệ hiện đại để ổn định nguồn cung ứng, tạo nền tảng xây dựng thêm nhiều thương hiệu về trà, café và hồng cho vùng Cầu Đất. Đây cũng là một nỗ lực rất đáng được ghi nhận của các HTX trong việc bảo tồn và phát triển những cây ăn trái đặc hữu.                                       

                                                                                                                                                                                                           Đặng Hà