Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm gieo trồng 12.000 hạt giống mang về từ vũ trụ

(SHTT) - Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc tin rằng với những tiếp xúc trực tiếp cùng bức xạ vũ trụ và vi trọng lực, những hạt giống đặc biệt được mang về từ vũ trụ có thể giúp chúng ta có được những loại giống mới ưu việt hơn.

 Các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đang tiến hành trồng thí nghiệm 12.000 hạt giống mang về Trái Đất bởi tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 13 hôm 16/4 vừa qua. 

Những hạt giống được đưa vào nghiên cứu thuộc các giống như cỏ đinh lăng, yến mạch và nấm được lựa chọn cẩn thận. Trước đó, chúng được nhân giống trong vũ trụ, trong quá trình đó, các hạt giống được để tiếp xúc với bức xạ và môi trường vi trọng lực để tạo ra các đột biến gene ngẫu nhiên, sau đó được đưa trở lại Trái Đất để tạo ra loài mới.

Được biết, thử nghiệm nhân giống trong không gian được tiến hành trong mọi chuyến bay ở giai đoạn đánh giá kỹ thuật cơ bản của dự án trạm vũ trụ Trung Quốc. Hàng nghìn hạt giống và loại vi sinh vật từ 88 tổ chức đã bay vào vũ trụ trên tàu Thần Châu 12 và Thần Châu 13.

Cây non mọc từ hạt giống mang về từ tàu vũ trụ Thần Châu 13. Ảnh: CGTN 

Nhóm nghiên cứu ở M-Grass, một công ty kỹ thuật ở Khu tự trị Nội Mông, thực hiện thí nghiệm với 6 giống cỏ trên tàu Thần Châu 13. Đây là lần thứ hai công ty gửi hạt giống vào không gian, sau khi thu thập các loài cỏ đột biến từ tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 5 vào năm 2020.

Trải qua quá trình lựa chọn kỹ hơn và gieo trồng, những giống cỏ ưu việt sẽ được sử dụng để khôi phục hệ sinh thái và xây dựng cảnh quan đô thị, theo Liu Siyang, nhà nghiên cứu của M-Grass.

Trước đó, vào ngày 12/5, tạp chí Communications Biology  đã vui mừng thông báo tới thế giới tin tức cây trồng của Trái Đất hiện đã có thể nảy mầm khi gieo trên mẫu đất mang về từ Mặt Trăng.

Cụ thể, trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 12g đất thu thập được từ nhiều điểm khác nhau trên Mặt trăng trong các sứ mệnh Apollo 11, 12 và 17.

Họ bỏ khoảng 1g đất vào từng chậu tí hon, sau đó gieo hạt, tưới nước và bón chất dinh dưỡng mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu đã chọn trồng cây arabidopsis thaliana - một họ hàng của cải xanh - vì giống cây này dễ sống và từng được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Để đối chứng, nhóm nghiên cứu cũng trồng hạt giống trong đất của Trái đất và các mẫu mô phỏng đất Mặt trăng và sao Hỏa.

Kết quả là tất cả các mẫu thí nghiệm này đều nảy mầm, kể cả các mẫu đất Mặt trăng.

 Cây được trồng bằng đất Mặt trăng trong nghiên cứu của ĐH Florida (Mỹ) - Ảnh: AFP

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Anna-Lisa Paul, tất cả những mẫu này phát triển giống nhau cho đến khoảng ngày thứ 6. Sau đó, sự khác biệt bắt đầu xuất hiện: những cây trồng trong đất Mặt trăng sinh trưởng chậm hơn và rễ còi cọc.

Sau 20 ngày, các nhà khoa học thu hoạch tất cả các cây và tiến hành các nghiên cứu DNA của chúng.

Phân tích cho thấy các cây trồng trên đất Mặt trăng có phản ứng tương tự như những cây trồng trong môi trường khắc nghiệt, chẳng hạn như đất có quá nhiều muối hoặc kim loại nặng.

Trong tương lai, các nhà khoa học muốn hiểu làm thế nào để môi trường trên Mặt trăng thân thiện hơn với cây trồng.

Thông tin mới này được đánh giá sẽ mở ra hy vọng về việc một ngày nào đó các phi hành gia có thể trồng cây trực tiếp trên mặt trăng, từ đó giúp tiết kiệm cho phí cho các sứ mệnh không gian, đồng thời, giúp tạo điều kiện cho các chuyến đi dài và xa hơn nữa vào vũ trụ.

Ông Bill Nelson, giám đốc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết: "Nghiên cứu này rất quan trọng đối với các mục tiêu đưa con người đi thám hiểm dài hạn của NASA. Chúng tôi cần sử dụng các nguồn tài nguyên tìm thấy trên Mặt trăng và sao Hỏa để phát triển nguồn thực phẩm giúp các phi hành gia tương lai duy trì sự sống và hoạt động trong không gian".

Thái An