Dior ra mắt chiến dịch đầu tiên với WhatsApp cùng sự góp mặt của Jisoo

(SHTT) - Dior Beauty đã cùng WhatsApp khởi động chiến dịch đầu tiên với đại sứ thương hiệu Jisoo nhằm quảng bá dòng son môi Dior Addict mới. Chiến dịch lần này cho phép 9,6 triệu người theo dõi trên Instagram của thương hiệu được quyền truy cập vào những nội dung độc quyền và có thể trò chuyện với Jisoo trong vòng bốn ngày.

 

Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp muốn đem đến những trải nghiệm đầy thú vị này với người tiêu dùng thông qua Instagram Story. Bằng tính năng này, Jisoo có thể chia sẻ cơ hội gia nhập một “nhóm độc quyền trên WhatsApp” với người theo dõi. Theo đó, Dior sẽ đưa người tiêu dùng đến một trang chuyên dụng giúp họ có thể đăng ký tương tác với Jisoo qua chatbot trên WhatsApp trước khi dòng son môi được ra mắt chính thức. Ngoài ra, họ cũng có thể chọn lựa nội dung theo ý muốn ví dụ như những video theo chủ đề cụ thể hay thậm chí là những cảnh hậu trường độc quyền về cuộc sống của Jisoo dưới tư cách là đại sứ của Dior.

Những người tham gia cũng sẽ nhận được các liên kết độc quyền để mua các sản phẩm son môi từ bộ sưu tập Dior Addict mới được cấp quyền truy cập riêng vào bộ lọc Instagram mới của thương hiệu. Được biết, Jisoo mới chính thức trở thành đại sứ của Dior vào tháng 3 vừa qua.

Chiến dịch được quản lý thông qua ứng dụng WhatsApp Business của Infobip, cho phép Dior xây dựng một chuỗi các cuộc hội thoại tự động với tư cách là Jisoo qua hệ thống chatbot. Đây là lần đầu tiên thương hiệu thời trang cao cấp này hợp tác cùng WhatsApp cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm của họ.

Ông Arthur Poulain, giám đốc hoạch định chiến lược và đổi mới kỹ thuật số của Dior cho biết chiến dịch đã vượt qua ranh giới về việc vẻ đẹp sang trọng và công nghệ phải hợp tác để mang lại những trải nghiệm mới lạ trên các kênh mà khách hàng ưa thích.

"Việc sử dụng nền tảng WhatsApp cho thấy suy nghĩ sáng tạo của chúng tôi trong việc tương tác với khách hàng trên Instagram của mình, cho họ cơ hội trò chuyện như một người bạn với Jisoo và trao cho họ quyền được chọn nội dung họ muốn xem tiếp", ông nói thêm.

Ông Adrian Benic, giám đốc sản xuất của Infobip cho biết vai trò của công ty là xác định lại cách truyền thông có thể giúp đưa câu chuyện thương hiệu vào cuộc sống và mối quan hệ hợp tác với Dior Beauty là một ví dụ điển hình cho việc này, với sự trợ giúp của WhatsApp.

"Đây là một trong những chiến dịch thú vị nhất mà chúng tôi từng thực hiện, tận dụng mọi yếu tố đầy phong phú của nền tảng để mang đến điều gì đó thực sự độc đáo và phi thường. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho các thương hiệu khác có thể tối ưu hóa khả năng tiếp cận kỹ thuật số của họ", ông chia sẻ.

Được biết, vào năm 2020, hơn 175 triệu người đã nhắn tin cho tài khoản WhatsApp Business hàng ngày. Mặc dù WhatsApp phổ biến với người tiêu dùng, báo cáo Not Another State of Marketing của Hubspot đã chỉ ra chưa đến 20% nhà tiếp thị sử dụng WhatsApp làm kênh tiếp thị trong năm 2021.

Ngoài chức năng nhắn tin, Whatsapp còn bao gồm dịch vụ mua sắm, lưu trữ dữ liệu người dùng Facebook và bán hàng kinh doanh. Chẳng hạn, các cửa hàng trực tuyến trên WhatsApp có một công cụ cho phép chủ doanh nghiệp tạo trải nghiệm mua sắm với các khách hàng của họ.

Trong khi đó, việc sử dụng chatbot của các nhãn hàng thời trang không còn là điều quá xa lạ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế vì chỉ phụ thuộc vào tính năng “các câu hỏi thường gặp”, do đó không thể hiểu được hết khách hàng. Một báo cáo năm 2019 của ADA và Forrester chỉ ra rằng để tối ưu sự cá nhân hóa, các công ty phải cải thiện hệ thống trả lời tự động cho FAQ hoặc tìm ra phương án khác. Chỉ khi đó, tiềm năng của chatbot mới thực sự được khai thác triệt để.

Hoàng Quân