Hà Nội: Triệt phá cơ sở sản xuất hàng chục nghìn sạc điện thoại giả

(SHTT) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, Đội QLTT số 1 chủ trì phối hợp với Đội QLTT số 13 vừa kiểm tra cơ sở tại địa chỉ 141 Lạc Long Quân (Hà Nội) và thu giữ trên 11.200 sản phẩm sạc điện thoại, ipad giả mạo.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Đội QLTT số 1 chủ trì phối hợp với Đội QLTT số 13, Cục QLTT Hà Nội đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh linh phụ kiện điện thoại tại địa chỉ 141 Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, Cầu Giấy Hà Nội và thu giữ hàng nghìn sản phẩm sạc điện thoại, ipad giả mạo nhãn hiệu.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, sau thời gian trinh sát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT đã đột kích kiểm tra và phát hiện cơ sở kinh doanh Đức Hải, địa chỉ 141 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang lắp ráp, gia công hàng chục ngàn sản phẩm là sạc điện thoại, ipad in thương hiệu Samsung. Đáng chú ý, toàn bộ bo mạch, vỏ sạc dùng để lắp ráp là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ.

 

Tại đây, đủ loại bo mạch, vỏ sạc, các linh kiện cũ hỏng thu mua từ hàng phế liệu được tập kết về đây để phù phép thành những chiếc sạc điện thoại chính hãng. Theo ghi nhận của PV, tại một góc của cơ sở sản xuất sạc điện thoại giả, những mạch sạc cũ hư hỏng được chủ cơ sở nhập về, tách ra lấy linh kiện, sau đó ghép nối tạo thành sạc giả. Với máy móc thô sơ, đơn giản nhưng chủ cơ sở đã tạo ra hàng chục nghìn chiếc sạc điện thoại giả, đương nhiên những chiếc sạc này có nguy cơ gây cháy nổ cho người tiêu dùng, thậm chí mất an toàn cho các thiết bị điện thoại chính hãng đắt tiền.

Sau khi hàn gắn, chắp nối đủ loại linh kiện cũ nát vào 1 bo mạch sạc để có thể hoạt động được, bo mạch này được lắp vào vỏ sạc mới, sau đó cho vào máy ép nắp nhựa. Phương pháp này khiến cho người sử dụng không thể nào mở nắp vỏ sạc để phát hiện ra mạch điện được hàn 1 cách chắp vá, thủ công phía bên trong. Với giá 100.000 đồng/kg bo mạch cũ, sau khi phù phép thành sạc điện thoại chính hãng, chủ cửa hàng này thu được khoảng lợi nhuận không hề nhỏ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 1983), chủ cơ sở kinh doanh nói trên, toàn bộ số bo mạch, vỏ sạc được thu mua trôi nổi trong các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội facebook hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử.

 

"Chỉ cần vào facebook, hoặc lên google gõ các từ khóa như "Phế liệu điện tử", "Bo mạch điện thoại", "Sỉ phụ kiện điện thoại"… hàng loạt các hội nhóm, website hiện ra cho mình lựa chọn. Tại các địa chỉ này, tôi mua hàng theo cân (kg), cần số lượng bao nhiêu cũng có", ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.

Qua quá trình kiểm đếm, lực lượng QLTT Hà Nội đã thu giữ 11.265 sản phẩm sạc pin các loại là hàng trôi nổi, hàng giả mạo nhãn hiệu Samsung.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Thanh Hà