Bình Định: Giá cau non tăng kỷ lục, người dân vẫn sợ rủi ro

(SHTT) - Những ngày qua, tại Bình Định và một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hiện tượng lạ, thương lái nước ngoài liên tục lùng mua cau non và trả giá cao, gấp 10 - 15 lần bình thường. Tuy nhiên người dân vẫn sợ rủi ro và sợ hiện tượng thương lái "bỏ của chạy lấy người".

Theo thông tin ghi nhận thì hiện tại, giá cau non tại tỉnh Bình Định đang giữ ở mức kỷ lục, 20.000 đồng/kg. Mức giá này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Như vậy có thể thấy, so với mức giá chỉ có 1000 - 1500 đồng/kg ở thời điểm cách đây 2 năm thì đây là một mức giá lý tưởng cho những người dân trồng cau non ở khu vực này.

Người dân ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho hay mức giá cau non đã tăng liên tục suốt từ đầu năm đến nay và không có dấu hiệu giảm nhiệt. Việc mua bán cau non tại địa phương cũng diễn ra khá "sôi động" khi ngày nào cũng có các thương lái đến tìm mua cau non ở các xã và sẵn sàng trả giả cao. Tuy nhiên nông dân ở đây cho hay họ chủ yếu làm việc với các đầu nậu Việt Nam chứ không được tiếp xúc trực tiếp với các thương lái nước ngoài. Tất cả những đầu nậu đều thu hết số lượng cau non trên địa bàn rồi chuyển cho thương lái.

 Bình Định: Giá cau non tăng kỷ lục, người dân vẫn sợ rủi ro

Người dân cũng khá hài lòng bởi việc mua bán luôn được diễn ra sòng phẳng và thuận tiện. Thậm chí, thương lái còn đặt cọc tiền để các đầu nậu thu gom cau về, sấy khô rồi chuyển đi. Cũng chính vì nhu cầu này mà hiện tại ở địa phương cũng mọc lên nhiều lò sấy cau non và làm ăn khá thuận lợi.

Hiện tượng các thương lái nước ngoài lùng mua cau non không chỉ diễn ra tại Bình Định. Trước đó, công việc mua bán này từng diễn ra thuận lợi tại một số khu vực đồng bắng sông Cửu Long như ở các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang. Vào thời điểm đó, các thương lái nước ngoài chủ yếu tìm mua non đã được sấy khô. Bình quân, mỗi kg cau non sấy khô được trả với mức giá 130.000-140.000 đồng nên nhiều hộ trồng cau đã có thu nhập khá tốt.

Mặc dù mọi việc mua bán đều được diễn ra thuận lợi và sòng phẳng nhưng chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng và không nên ồ ạt mở rộng diện tích, đề phòng rủi ro. Bởi trước đây cũng đã xảy ra nhiều vụ việc thương lái "bỏ của chạy lấy người", sau khi trả giá cao và mua ồ ạt các nông sản như ớt, dưa hấu, thanh long, chanh thì họ lại bỏ đi khiến nông sản của người dân rơi vào tình trạng ế ẩm, giá rớt mạnh.

Hương Mi