Giá sắn giảm mạnh, nông dân khổ càng thêm khổ

Sắn hiện đang vào mùa thu hoạch, thế nhưng người nông dân lại buồn rầu vì năm nay giá sắn giảm mạnh khiến người trồng bị thua lỗ nặng.

Vụ sắn năm nay, gia đình anh Ngô Văn Nam (thôn 13 xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đầu tư trồng gần 20 ha, hiện đang thu hoạch nhưng với giá bán xuống thấp khiến gia đình anh Nam lỗ nặng.

Anh Nam cho biết: “Năm ngoái giá sắn cao ổn định quanh mức 2.600 đồng/kg giúp gia đình anh kiếm được khoản lợi nhuận khá cao, nên năm nay anh mạnh dạn mở rộng đầu tư trồng 20 ha với vốn đầu tư 17 triệu đồng cho 1 ha. Nhưng với giá sắn xuống thấp còn 2.100 đồng/kg (giá thương lái mua tại trạm cân) cộng thêm giá xăng, giá phân tăng cao khiến gia đình anh lỗ nặng”.

 Người dân huyện Ea Súp đang thu hoạch sắn

Tương tự, tại các địa phương khác, nhiều hộ gia đình trồng sắn đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá sắn giảm hơn 500 đồng/kg so với năm 2021 và giá xăng tăng cao kéo theo mọi chi phí đều tăng. Thay vì bán sắn tươi, nhiều gia đình đầu tư thêm máy thái lát và bỏ công sức phơi khô để mong bán được giá cao hơn. Được biết, giá sắn thái khô được thương lái mua với giá 5.200 đồng/kg tại trạm cân.

 Người dân thái lát sắn đem phơi khô để bán được giá cao hơn

Theo ông Phan Văn Bằng (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), một thương lái mua sắn lâu năm cho biết: “Do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, cước vận chuyển tăng cao, vấn đề thông quan hàng hoá qua cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh có những ách tắc khiến giá sắn giảm mạnh. Cuộc sống của bà con trồng sắn gặp nhiều khó khăn trong khi giá đầu tư tăng cao”.

Được biết, cây sắn là một trong những cây trồng chủ lực tại một số địa phương giúp bà con xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển đổi các loại cây trồng khác sang trồng sắn. Khi diện tích trồng sắn liên tục tăng nhanh, giá cả bấp bênh khiến cho bà con trồng sắn gặp nhiều khó khăn.                                                                                                                                                                                                      

Văn Nhật