[Review] Bóng Đè - Lâm Thanh Mỹ đột phá, diễn xuất cân phim, bù đắp cho phần kỹ xảo còn nhiều khuyết điểm

(SHTT) - Lấy đề tài kinh dị pha trộn yếu tố tâm lý, hiện tượng khoa học thực tế khiến Bóng Đè dễ dàng thu hút sự quan tâm từ khán giả.

Bóng đè - một hiện tượng mà khá nhiều người từng nghe hay thậm chí là gặp phải được lý giải bởi cả khoa học lẫn tâm linh nhưng vẫn chưa có một đáp án cụ thể. Điều này đã giúp đội ngũ sản xuất có không gian tự do nhào nặn, dựng nên những thước phim có phần kinh dị, tâm lý cho bộ phim Bóng Đè. Thêm nữa, phim do đạo diễn Lê Văn Kiệt - tên tuổi đến từ thành công của Hai Phượng đã góp phần gây chú ý cho khán giả màn ảnh rộng.

Chuyện phim xoay quanh gia đình người đàn ông góa vợ Thành (Quang Tuấn) và 2 cô con gái Linh (Lâm Thanh Mỹ), Yến (Mai Cát Vi). Cả nhà vì quá đau buồn sau cái chết của vợ/mẹ nên đã quyết định dọn về một căn nhà cũ ở quê để thay đổi cuộc sống. Ở đây, Thành mời Hạnh (Diệu Nhi) làm giáo viên dạy kèm cho hai con, đồng thời giúp anh hỗ trợ tâm lý của Yến vì cô bé thường xuyên mộng du, gặp ác mộng dai dẳng. Và rồi, mọi chuyện trở nên ngày càng mờ ám, đáng sợ khi Linh dần dần khám phá ra sự thật ngôi nhà cũ đang ở cùng mối quan hệ giữa ba mình và cô giáo.

Kịch bản thoáng, bối cảnh quen thuộc nhưng đủ để gợi tò mò

Lấy bối cảnh chủ đạo căn nhà cũ kĩ nơi thôn quê, cổ kính và nhiều điểm mù giúp Bóng Đè tạo cảm giác gần gũi và quen thuộc khiến khán giả tưởng như đang ngồi nghe kể chuyện về một trải nghiệm ma cỏ đáng sợ của đám bạn ngày xưa.

Có thể nói, Bóng Đè là một hiện tượng đã quá quen thuộc nhưng lại chẳng có thông tin rõ ràng hay xác thực nên việc chọn đề tài này làm điểm đào sâu làm cho đội ngũ sản xuất như đang dùng dao hai lưỡi. Bộ phim có lối kể hấp dẫn, lôi cuốn nhưng lại bị gò bó trong kịch bản có phần lỗi thời so với dòng chảy phim kinh dị - tâm lý những năm gần đây. 

Thêm nữa, điểm trừ lớn của phim rơi vào lời thoại, các cuộc trò chuyện diễn ra khá khô cứng, làm người xem tụt cảm xúc vì đài từ chưa tốt từ các nhân vật. Cảm giác lời thoại còn thiếu tự nhiên và chưa thể hòa nhập vào cảm xúc, kìm hãm diễn biến tâm lý nhân vật.

Điểm sáng trong diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ

Bóng Đè, hầu như thời lượng tập trung vào Thanh Mỹ và cô bé đã vận dụng cực tốt đất diễn để tỏa sáng và chứng minh khả năng diễn xuất của mình trong nhiều cảnh tay đôi cùng Quang Tuấn hay Diệu Nhi. Ngoài ra, diễn xuất tự nhiên, hài hòa và đủ nổi bật lên của cô bé đã góp phần kéo lại cảm xúc, dự yêu thích của khán giả khi theo dõi toàn bộ câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh rộng.

Song song đó, Mai Cát Vi trong vai trò em gái cũng thể hiện ổn định, tốt so với các diễn viên nhí cùng trang lứa và hứa hẹn sẽ có thể tiến bộ, bật lên trong tương lai nếu tiếp tục theo đuổi con đường diễn xuất.

Điểm đáng buồn cho Bóng Đè là hai nhân vật mà Quang TuấnDiệu Nhi đảm nhiệm chưa được đặc tả, khai thác tốt. Thậm chí, vai trò của Hạnh do Diệu Nhi đảm nhiệm còn được đánh giá là khá cụt, chưa kịp tỏa sáng đã phai tàn trong trí nhớ người xem.

Âm thanh giật gân, chưa đều và kỷ xảo còn yếu

Điểm mấu chốt của một bộ phim theo đề tài kinh dị là âm thanh và hình ảnh. Song, Bóng đè chỉ mới làm tốt được khoảng 50%, ở mức trung bình so với mặt bằng chung. Bộ phim vẫn đảm bảo gây giật mình, khiến người xem hồi hộp nhờ các mảng hình ảnh tối và hiệu ứng âm thanh khi dồn dập, lúc tĩnh lặng theo suốt mạch phim. 

Phần thiếu sót lớn rơi vào sự yếu thế trong mặt dựng phim, tạo hiệu ứng hình ảnh chưa đồng đều và các kỹ xảo có phần cẩu thả, chưa tiến bộ. Các nhân vật ma quỷ xuất hiện thiếu tinh tế, chưa rõ ràng và đủ đô để khiến người xem sợ hãi khi thấy.

Tóm lại, Bóng Đè là một phim kinh dị khá an toàn, một bức tranh có những ưu - khuyết điểm trộn lẫn vào nhau cần người xem cảm nhận, theo dõi kĩ để có cái nhìn toàn diện hơn về phim. Song song đó, phim cũng có cố gắng thêm thắt nhiều ý nghĩa nhân văn về tình cảm gia đình, căn bệnh trầm cảm và những chướng ngại tâm lý mà con người hiện đại dễ dàng vướng phải giữa cuộc sống bộn bề, lo toan.

Phim sẽ chính thức ra mắt khán giả toàn quốc vào 18.03 sắp tới.

Thanh Trúc