Thanh Hóa: Phát hiện gần 2 tấn cá khoai ướp formol đang đi tiêu thụ

(SHTT) - Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện, bắt quả tang một xe tải đang vận chuyển 85 thùng cá khoai nghi ướp formol trọng lượng 1.750 kg đang trên đường đi tiêu thụ.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang xe tải BKS 14H-01002 do Dương Xuân Lâm ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh điều khiển, vận chuyển 85 thùng cá khoai nghi ướp formol có tổng trọng lượng 1.750 kg đi tiêu thụ....

Qua test nhanh, toàn bộ số cá khoai nói trên đều cho kết quả dương tính với chất formol. Theo lời khai của Dương Xuân Lâm thì toàn bộ số cá khoai nói trên được Lâm vận chuyển thuê từ tỉnh Thái Bình về Thanh Hóa bán lại cho các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tạm giữ số hàng trên để phối hợp xử lý theo quy định.

 Thanh Hóa: Phát hiện gần 2 tấn cá khoai ướp formol đang đi tiêu thụ

Được biết, formol đã được Trung tâm Quốc tế nghiên cứu ung thư chuyển từ nhóm chất có khả năng gây ung thư (2A) sang nhóm chất gây ung thư (1). Các năm gần đây, tỷ lệ người mắc và tử vong vì bệnh ung thư tăng cao chủ yếu là do ăn vào các thực phẩm có chứa Formol.

Theo các chuyên gia, formol (formaldehyde) có độc tính khá cao, không cho phép sử dụng trong thực phẩm. Formol có tính chất cay nồng và hắc. Đặc biệt ảnh hưởng đến các giác quan: mắt, mũi, làm khô họng. Vì vậy, trong y học khi sử dụng formol để tẩy trùng, sát trùng đều được bảo hộ rất an toàn. Ăn nhầm hóa chất này có thể bị khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, viêm loét dạ dày tá tràng, gây ung thư...

Formol làm cho thực phẩm khó ôi thiu nhưng lại rất khó tiêu hóa khi vào cơ thể, gây hiện tượng đầy bụng, no giả tạo. Trong cơ thể, formol kết hợp với các nhóm amin hình thành các dẫn xuất bền vững với các men phân hủy protein làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nhiều thực nghiệm trên động vật đã chứng tỏ khi tiếp xúc lâu dài và liên tục formol có khả năng gây ung thư đường hô hấp (mũi, họng...). Về vệ sinh an toàn thực phẩm, do tác hại lâu dài của formol và để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm việc dùng formol để làm chất bảo quản thực phẩm và đồ uống, kể cả thức ăn chăn nuôi gia súc ăn thịt. Người ta chỉ cho phép bảo quản các chất không để ăn uống nhưng cũng qui định rất nghiêm ngặt về giới hạn cho phép, và phải bảo đảm an toàn 100% cho môi trường sinh hoạt của con người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) đã qui định về danh sách các chất độc hại đối với thực phẩm của con người sử dụng và nghiêm cấm dùng các hóa chất đó để bảo quản thực phẩm - trong đó có formol thuộc nhóm độc hại C1, không an toàn nếu cho vào thực phẩm, nước chấm và đồ uống.

Minh Vân