Xác định rõ nhiệm vụ người đứng đầu trong xử lý 12 dư án thua lỗ nghìn tỉ

(SHTT) - Liên quan đến 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan.

Nhà máy đạm Ninh Bình - một trong những dự án thua lỗ của ngành Công Thương - Ảnh: Tuổi Trẻ.  

Văn phòng Chính phủ ngày 18/7 đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại thông báo hồi tháng 6/2017 của Văn phòng T.Ư Đảng và ý kiến của các bộ, ngành để trình Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trước ngày 25/7/2017.

Đồng thời, Bộ này phải hoàn thiện Dự thảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương gửi các bộ, ngành có ý kiến tham gia để tổng hợp, trình Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định, trong đó, lưu ý làm rõ trách nhiệm của từng bộ, cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện kế hoạch; chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch.

Được biết, 12 dự án thua lỗ gồm: Nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai; Nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học là nhà máy Quảng Ngãi, Phú Thọ và Bình Phước; Nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép là Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Tới thời điểm hiện nay, có 06 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 04 nhà máy sản xuất phân bón; DQS; và Nhà máy thép Việt Trung); 03 Dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 03 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).

PV