Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Tham gia đóng góp nhiều quy định của pháp luật SHTT

(SHTT) - Chiều ngày 24/11, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Đoàn công tác để khảo sát việc thi hành một số quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Để có thêm thông tin phục vụ cho quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức Đoàn công tác để khảo sát việc thi hành một số quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 Toàn cảnh buồi làm việc

Đoàn công tác gồm Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm Trưởng đoàn, Thường trực Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; cán bộ, công chức Vụ Pháp luật và đơn vị có liên quan của Văn phòng Quốc hội.

 Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Về phía Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, có sự tham gia của ông Phạm Nguyên Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hội, bà Nguyễn Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội.

Ông Phạm Nguyên Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Ngoài ra trong buổi làm việc còn vinh dự có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bà Phạm Hồng Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Nguyên Xuân Bắc đã khái quát cơ cấu tổ chức của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đồng thời, đại diện Hội đã trình bày về việc thực hiện quy định về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chưc chủ trì (số lượng, khả năng thương mại hóa...) là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, buổi làm việc còn xoay quanh việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài; việc tiếp cận cơ sở dữ liệu về bảo hộ sở hữu công nghệ; việc thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; giám định sở hữu trí tuệ; Những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về Sở hữu trí tuệ.

Đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp triển khai thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Hương Mi