Cảnh báo: Những tác dụng phụ đáng sợ của thuốc hạ sốt

(SHTT) - Thuốc hạ sốt là loại thuốc thường xuyên được mọi người sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên nếu không dùng đúng cách thì thuốc hạ sốt có thể sẽ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm như tai biến, suy gan hay giảm bạch cầu.

Trong các tủ thuốc gia đình thì thuốc hạ sốt luôn được ưu tiên hàng đầu. Hiện tại trên thị trường có nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau tuy nhiên các bác sĩ khuyên mọi người nên chọn paracetamol (còn gọi là acetaminophen bởi loại thuốc này có ưu điểm là tác dụng nhanh, an toàn, ít có biến chứng, hiệu lực hạ sốt mạnh và dễ sử dụng.

Thuốc tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt bình thường và giảm đau bằng cách nâng ngưỡng chịu đau lên.

Cảnh báo: Những tác dụng phụ đáng sợ của thuốc hạ sốt 

Chính vì việc dễ sử dụng nên nhiều gia đình đã tự ý sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ người lớn và trẻ em mà không có ý kiến bác sĩ. Việc này được xem là khá nguy hiểm và có thể gây ra những tác dụng phụ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng trong một số trường hợp đặc biệt, thuốc không có tác dụng hạ sốt. Người nhà cần chú ý đo nhiệt độ của người bệnh trước khi cho uống thuốc. Sau 30 phút, lại tiếp tục đo nhiệt độ của người bệnh và nếu thấy nhiệt độ không giảm thì có thể cho uống tiếp liều thứ 2. Nếu lần này sốt vẫn không hạ, bạn cần cho đi viện ngay. Không dùng một ngày quá 6 liều quy định liên tiếp.

Các trường hợp cần phải cho đi viện: sốt kéo dài quá 3 ngày, sốt mà dùng thuốc không hạ sốt, sốt quá cao, 40-410C (vừa phải cho dùng thuốc vừa cho đi viện ngay) sốt, có dùng thuốc nhưng bị dị ứng.

 Thuốc hạ sốt không nên dùng khi bị sốt xuất huyết

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không dùng thuốc nếu thấy dị ứng, không dùng thuốc với người bị bệnh viêm gan, trẻ em bị bệnh viêm gan vàng da do tắc mật. Khi đó, có sốt, phải đưa đi bệnh viện và điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Liên quan đến dịch sốt xuất huyết đang hoành hành hiện nay thì PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết khi bỗng dưng sốt cao, mọi người chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h).

Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị cho đến khi khẳng định được không phải do sốt xuất huyết. Vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, làm tăng nguy cơ chảy máu, khiến bệnh nặng hơn, nguy hiểm cho sức khỏe.

BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cũng cảnh báo gặp nhiều bệnh nhi bị biến chứng do bố mẹ lạm dụng những nhóm thuốc hạ sốt vốn bị hạn chế sử dụng vì nhiều nguy cơ. Khi trẻ bị sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm rất nặng, dùng thuốc này bị ảnh hưởng đến đông máu thì nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt.

"Đã từng tiếp nhận bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ngày 3 - 4, sốt cao 39 - 40 độ, dùng paracetamol không hạ sốt hiệu quả mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc nên bị nôn ra máu”, BS Hải nói.

PV