Biểu hiện và cách phòng chống sốt xuất huyết

(SHTT) - Những ngày gần đây, căn bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành khiến số lượng bệnh nhi nhập viện ngày càng tăng. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần nắm vững những kiến thức về biểu hiện cũng như cách phòng chống căn bệnh này.

Sốt xuất huyết đang bùng phát

Theo thông tin được đăng tải trên báo Công Lý, TS BS Ngô Ngọc Quang Minh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) cho hay, ngay từ đầu tháng 6 này, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10 - 15% so với tháng 5.

Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 116 ca sốt xuất huyết, trong đó có 9 ca sốc sốt xuất huyết. Hơn 60% ca bệnh đều từ các tỉnh/thành chuyển lên.

 Sốt xuất huyết đang bùng phát

Trong khi đó, chỉ tính riêng trong tuần qua (từ 19 đến 25/6) toàn TP. Hà Nội ghi nhận có 574 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ổ dịch từ 2 - 3 người mắc trở lên. Các đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai (129 ca), Đống Đa (127 ca), Hai Bà Trưng (46 ca), Hà Đông (35 ca), Thanh Trì (32 ca), Nam Từ Liêm (32 ca), Thanh Xuân (30 ca). Trên phạm vi cả nước, hiện theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cả nước có hơn 39.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 10 ca tử vong.

Chính vì vậy các bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ phương tiện máy móc, thuốc, dịch truyền, máu... để kịp thời điều trị cho bệnh nhi.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ. Quần áo treo trên vách…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.

 Sốt xuất huyết đang bùng phát

Bệnh có hai thể (sốt dengue và sốt xuất huyết dengue), xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Bệnh sốt xuất huyết thường có 2 nguyên nhân chủ yếu thường gây ra bệnh:

Do siêu vi trùng Dengue gây ra.

Do muỗi vằn Aedes hút máu người mắc bệnh mang đến cho người lành. Đây là nguyên nhất phổ biến và dễ tạo thành dịch nhất.

Tuy nhiên virus này không lây trực tiếp từ người sang người. Trong thời gian bị sốt, Virút Dengue tồn tại ở trong máu bệnh nhân.

Người bệnh sốt xuất huyết có thể được coi là ổ chứa virus chính. Người bệnh bị muỗi Aedes đốt khi đó muỗi sẽ mang virus Dengue truyền cho người lành. Muỗi Aedes đốt (cắn, hút máu) vào ban ngày và thường thời gian đốt nhiều nhất là lúc chiều tối và sáng sớm.

Biểu hiện của sốt xuất huyết

Thể bệnh nhẹ: 

Bệnh nhân sẽ bị sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng:

Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Trên da sẽ xuất hiện những vết chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Người bệnh có thể phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.

 Biểu hiện của sốt xuất huyết

Cùng với đó, bệnh nhân sẽ bị đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Ở phụ nữ, xuất huyết thường biểu hiện rong kinh. Điều này cực kỳ nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai.

Dấu hiệu sốc

Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm: Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh; tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Nếu thời gian diễn ra sốc thường ngắn từ 12 đến 24h thì nên đi viện để được điều trị kịp thời. Tuy không phải tất cả người bị sốt xuất huyết đều bị sốc nhưng nên thận trọng theo dõi khi nghi ngờ sốt xuất huyết để kip thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm kể trên.

Cách phòng chống sốt xuất huyết

Cha mẹ cần chú ý cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày; không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt); thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

 Cách phòng chống sốt xuất huyết

Cùng với đó, các gia đình cũng cần đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy); dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. 

PV