EU chính thức gia hạn thời gian trừng phạt kinh tế Nga

(SHTT) - Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga được áp đặt vào mùa hè năm 2014 nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí.

EU chính thức gia hạn thời gian trừng phạt kinh tế Nga 

Ngày 28/6, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua quyết định gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế Nga vì đã không thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết, EU nhất trí sẽ gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Quyết định trên sẽ được chính thức hóa vào tháng 7 và có hiệu lực vào ngày 31/7, khi các biện pháp hiện tại hết hạn.

Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga được áp đặt vào mùa hè năm 2014 nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp Nga trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí. Các biện pháp trừng phạt của EU liên quan đến gần 150 nhân vật, trong đó có nhiều người thân cận của Tổng thống Nga.

Trước đó, ngày 15/12/2016 Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng (đến giữa năm 2017), vì tình hình bẩt ổn tại Ukraine.

Nếu không được gia hạn, lệnh trừng phạt hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/1/2017. Tuy nhiên với quyết định mới này, EU sẽ tiếp tục trừng phạt kinh tế đối với Nga cho tới ngày 31/7/2017.

EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. EU cũng cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đến nay đã làm gần 10.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, Nga luôn bác bỏ các cáo buộc này.

Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko hoan nghênh quyết định của EU về việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông cũng bày tỏ "sự biết ơn vì các lãnh đạo EU đồng lòng trong việc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Tháng 3.2014, người dân Crimea bỏ phiếu trong cuộc trưng câu dân ý với kết quả đồng ý sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên Ukraine và các nước châu Âu không công nhận và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Về phần mình, Nga tuyên bố tất cả các biện pháp trừng phạt của EU, cũng như của Mỹ nhằm vào Moscow đều không đạt hiệu quả, nếu không muốn nói là phản tác dụng.

Các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Brussels và Moskva. Nga đã trả đũa bằng cách thiết lập lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU hiện vẫn đang có hiệu lực.

PV (t/h)