Thủy điện phải có trách nhiệm với dân

Ngày 15-12, khi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc tại huyện Đại Lộc và Bắc Trà My, Quảng Nam, chính quyền địa phương và người dân rất bức xúc việc thủy điện xả lũ và đề nghị thủy điện phải có trách nhiệm với dân vùng hạ du; phải khẩn trương bố trí đất sản xuất cho dân vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2.

Thủy điện đồng loạt xả lũ gây thiệt hại lớn

Tại huyện Đại Lộc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và thăm hỏi người dân thôn Đại Mỹ, Thạnh Đại (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc), nơi thường xuyên bị cát vùi lấp sau mỗi đợt lũ. 

Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc), cho biết: Từ năm 2009, khi các thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, An Điềm 1, An Điềm 2, Sông Côn… đi vào hoạt động đến nay, lũ lụt tại Đại Hưng ngày càng nghiêm trọng và khó lường.

Nguyên nhân là do các thủy điện nói trên đồng loạt xả lũ gây lũ lụt lớn cho vùng hạ du. Đợt lũ từ ngày 15 đến ngày 17-11 vừa qua tốc độ lũ quá mạnh, lưu lượng nước tràn về quá lớn nên chỉ trong vòng 1 giờ nước dâng cao 1 - 1,2m gây thiệt hại nặng nề cho tài sản của nhân dân. Tổng thiệt hại do bão lũ gây ra cho xã Đại Hưng từ năm 2009 đến nay khoảng 60,5 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thiệt hại 13 tỷ đồng. Đặc biệt, cứ sau mỗi cơn lũ lớn, 83 hộ dân ở 2 thôn Đại Mỹ và Thạnh Đại ở bên dòng sông Côn bị lũ phá hoại và cát bồi lấp 1,5 - 2m. 

Ông Nguyễn Khắc Xuyên kiến nghị Chủ tịch nước hỗ trợ kinh phí để di dời khẩn cấp 83 hộ dân ở 2 thôn Đại Mỹ và Thạnh Đại vào khu dân cư Gò Dinh; đề nghị các thủy điện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc xả lũ gây thiệt hại cho người dân, đồng thời phải có trách nhiệm thông báo xả lũ sớm hơn để địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ người dân xây dựng chòi tránh lũ… 

Ngoài ra, lãnh đạo huyện Đại Lộc và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị xây dựng lại quy trình xả lũ liên hồ thủy điện, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phải là người quyết định xả lũ. 

Qua buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ những thiệt hại nặng nề cũng như khó khăn của người dân vùng lũ. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước ghi nhận những kiến nghị của địa phương và đề nghị tỉnh Quảng Nam báo cáo rõ hơn về tình hình lũ và thiệt hại do lũ gây ra để tính toán giải quyết. Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam kiểm tra những nơi bị sạt lở, thống kê số hộ dân cần di dời khẩn cấp để xây dựng phương án, bố trí vốn di dời.

Không có đất sản xuất

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thị sát công trình đập thủy điện Sông Tranh 2, nơi xảy ra sự cố thấm chảy nước qua thân đập và gây ra động đất kích thích liên tục trong 2 năm qua. 

Tại đập thủy điện Sông Tranh 2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp chất vấn lãnh đạo Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 liên quan đến các vấn đề về an toàn đập, vấn đề xả lũ, ảnh hưởng của công trình này đối với vùng hạ du. Trong đợt mưa lũ vừa qua, đập thủy điện Sông Tranh 2, mực nước về vượt 6 cửa tràn với lưu lượng hơn 4.000m³/giây nhưng theo Ban quản lý Dự án thủy điện Sông Tranh 2, nhà máy vẫn hoạt động đúng quy trình và góp phần cắt lũ vùng hạ du (!?). 

Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thủy điện sông Tranh 2 và các bộ, ban, ngành đặc biệt theo dõi sát sao đối với đập thủy điện Sông Tranh 2, cần có phương án di dời người dân vùng hạ du vào mùa mưa lũ để tránh thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Thăm và nói chuyện với người dân vùng tái định cư dự án thủy điện Sông Tranh 2 tại xã Trà Đốc, Chủ tịch nước đã ân cần thăm hỏi, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của người dân nơi đây khi phải chịu thiệt thòi, hy sinh nhường đất cho công trình thủy điện Sông Tranh 2. Bà Hồ Thị Nốt (45 tuổi, trú tại thôn 2) cho biết, từ khi chuyển về sinh sống tại khu tái định cư, gia đình bà gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi đất rừng thành sản xuất để giúp dân có đất sản xuất, đồng thời có chính sách giúp địa phương khai hoang để trồng lúa nước. 

Trước những thắc mắc, kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, Chủ tịch nước ghi nhận và yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa để từng bước ổn định cuộc sống của người dân vùng tái định cư, đảm bảo người dân vùng tái định cư có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành liên quan kiểm tra và khẩn trương bố trí đất sản xuất cho người dân vùng tái định cư của thủy điện sớm ổn định đời sống.

Chia sẻ với những thiệt hại, khó khăn của người dân vùng lũ Quảng Nam, thay mặt Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch nước trao tặng 160 con bò trị giá gần 1,3 tỷ đồng cho người dân tỉnh Quảng Nam. Riêng đối với xã Đại Hưng, nơi bị thiệt hại nặng nề vì lũ, Chủ tịch nước trao tặng 10 con bò và 100 suất quà với mỗi suất 1 triệu đồng.