Bộ GD&ĐT đề nghị tăng băng thông, giảm giá cước Internet cho hoạt động dạy học online

(SHTT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hiện nay, đang có rất nhiều trường học tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Do đó, để đảm bảo cho việc dạy học online, Bộ GD&ĐT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước và tăng băng thông học sinh, sinh viên và giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ này chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.

Các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là cước Internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.

 

Liên quan tới vấn đề này, Văn phòng Thủ tướng cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và điện thoại cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ này chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.  

Được biết, trong khi việc khắc phục tuyến cáp quan AAG sẽ kéo dài tới ngày 26/9 thì mới đây, tuyến cáp quang AAE-1 lại tiếp tục xuất hiện sự cố khiến đường truyền mạng của Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng và việc truy cập các ứng dụng như Gmail, YouTube, Facebook hay Zoom cũng trở nên khó khăn hơn gây ảnh hưởng tới hoạt động học tập trực tuyến của học sinh và làm việc online tại nhà của người lao động những ngày giãn cách xã hội trở nên khó khăn hơn.

Cụ thể, vào ngày 19/7, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (từ trạm cập bờ Vũng Tàu ra trục quốc tế) gây gián đoạn toàn bộ dịch vụ kết nối quốc tế trên tuyến cáp này. Đến ngày 20/8 đã sửa chữa xong điểm đứt này. Tuy nhiên, ngay sau đó lại phát sinh thêm lỗi khác trên phân đoạn S1B (từ Hongkong đi Singapore) vào ngày 11/8 nên chỉ khôi phục lại được dung lượng AAG đi Hongkong, dung lượng AAG Việt Nam-Singapore vẫn tiếp tục bị mất.

Đại diện nhà cung cấp mạng chia sẻ, hệ thống đã điều tàu sửa chữa, dự kiến hoàn thành vào 26/9.

Trong khi đó, ngày 4/9, tuyến cáp AAE_1 xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (đoạn trục giữa Cambodia và Thailand) gây gián đoạn dung lượng kết nối từ Việt Nam đi Singapore và Châu Âu trên tuyến cáp này.

Nguyên nhân sơ bộ là do lỗi dò nguồn trên tại 2 điểm khác nhau trên phân đoạn S1H (sự cố trước trên đoạn nhánh Cambodia vào ngày 26/8). Hiện tại chưa có lịch sửa chữa cụ thể. Theo đánh giá của đại diện một nhà cung cấp, sự cố trên gây ảnh hưởng khoảng 20% dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các nhà mạng, ảnh hưởng đến tốc độ truy cập các website quốc tế tại một số thời điểm trong ngày. Riêng các kết nối Internet trong nước vẫn diễn ra bình thường.

 

Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ cho biết, trước việc hai tuyến cáp quang quan trọng đều gặp sự cố, các nhà mạng đã định tuyến lại, tối ưu lưu lượng qua các tuyến cáp biển khác như TGN-IA, APG. Tuy vậy, việc cùng lúc phát sinh sự cố bất khả kháng trên 2 tuyến cáp đã ảnh hưởng cục bộ đến chất lượng truy cập của một nhóm khách hàng.

Như vậy, với việc 2 tuyến cáp quang AAG và AAE-1 cùng gặp sự cố, người dùng mạng Việt Nam có thể sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong hoạt động học tập, làm việc, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội hầu như mọi công tác đều được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến như hiện nay.

Thái An