Ra mắt chương trình “Vắc xin tinh thần”

(SHTT) - “Vắc xin tinh thần” là chương trình cung cấp các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tinh thần hoàn toàn miễn phí cho người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình phi lợi nhuận được thực hiện bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với sự đồng hành của Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Mobifone, Viettel, Vinaphone, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, ban Khoa học và Đời sống – báo Tri thức và Cuộc sống, Bệnh viện Dã chiến số 12, Bệnh viện Bình Dân.

 

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua, đã làm tăng tỉ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần, bao gồm tỉ lệ mắc trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, ý định tự tử... Nhìn chung, hiện nay người dân TP. Hồ Chí Minh đứng trước hai nỗi sợ lớn: nỗi sợ chết/mất mát vì Covid-19; nỗi sợ về an sinh xã hội. Bên cạnh vắc xin phòng ngừa Covid-19, người dân, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, cần một “mũi vắc xin tinh thần” để gia tăng sức đề kháng cơ thể và tinh thần trước sự tấn công của đại dịch Covid-19 vốn còn dai dẳng.

Với trách nhiệm xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mong muốn chung tay cùng Thành phố, đóng góp phần đẩy lùi dịch Covid-19”.

Từ ngày 22.8.2021, Nhà trường thực hiện công tác chuẩn bị và “Vắc xin tinh thần” - Chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh được hình thành.

Chương trình được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận việc thực hiện tại công văn số 2975/UBND-VX ngày 01 tháng 9 năm 2021.

Hôm nay, ngày 5.9.2021,chương trình “Vắc xin tinh thần” chính thức được triển khai thực hiện.

 

Chương trình có sự tham gia dự trực tuyến của Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cùng các ban, trường, viện thành viên, đơn vị trực thuộc; các sở - ban - ngành - đoàn thể, các nhà tài trợ, các đối tác, tập thể sư phạm, cựu giáo chức, học viên, sinh viên, cựu sinh viên và đặc biệt là đội ngũ y - bác sĩ, người dân TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe tinh thần cho từng nhóm nhu cầu, chương trình “Vắc xin tinh thần” với 3 trọng tâm hoạt động chính gồm:

Hỗ trợ và tư vấn khẩn cấp những vấn đề khủng hoảng tâm lý

Chương trình tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý; giáo dục và truyền thông các chiến lược nhận thức, thể lý, cảm xúc ứng phó với tác động tiêu cực của Covid-19.

 

Giúp gia tăng sự lạc quan, khả năng thích nghi, phát triển năng lượng tích cực, bồi đắp sự bình an bên trong; giúp cá nhân trấn an, thích nghi, đương đầu tốt hơn với dịch bệnh, đầu tư năng lượng tích cực cho hoạt động học tập và lao động.

Can thiệp các vấn đề sức khỏe tinh thần cộng đồng

Chương trình đáp ứng cho người dân có nguy cơ vừa/trung bình đến cao. Nhóm đối tượng này có thể là người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do Covid-19…Các chuyên gia của chương trình cũng sẽ tư vấn cho người dân tại các khu vực cách ly, khu vực điều trị Covid-19.

 

Chương trình phối hợp với Bệnh viện dã chiến số 8 (Bệnh viện Bình Dân quản lý), Bệnh viện dã chiến số 12 (phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức) để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây. Các chuyên gia tâm lý của chương trình sẽ hỗ trợ tâm lý miễn phí cho rộng rãi cho các cá nhân có nhu cầu thông qua tổng đài 0987 111 801 (Tổng đài tư vấn tâm lý của chương trình Vắc xin tinh thần).

Trường hợp cá nhân gặp phải bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài bởi các nhà thực hành của Trung tâm Tham vấn-trị liệu thuộc Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Triển khai các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và trợ giúp phục hồi

Chương trình nhằm hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được can thiệp, giúp họ tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động hay các chương trình hỗ trợ của chính phủ, của thành phố…

 

BTC sẽ thu thập các thông tin về lao động, việc làm, học bổng, kết nối với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư vấn định hướng, phát triển kỹ năng cho nhóm/cá nhân có nhu cầu để họ tái hòa nhập cuộc sống hậu đại dịch.

Cá nhân tham gia chương trình trị liệu ở nội dung số 2 sẽ được tái đánh giá sức khỏe tinh thần, khả năng phục hồi và tăng trưởng của họ sau 3 tháng kể từ ngày kết thúc can thiệp.

Xây dựng các kênh truyền thông của chương trình

Chương trình vận hành các kênh truyền thông:

Fanpage: https://www.facebook.com/vacxintinhthan

Youtube: https://www.youtube.com/user/hcmusshchannel

TikTok: @Người Nhân văn

 

Đồng thời, thực hiện các chương trình tư vấn tâm lý trên các mục của:

Báo Khoa học và Đời sống và Kênh AM 610 mHz, Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Tổ chức nghiên cứu và lượng giá chương trình

Nghiên cứu: Tổ chức các nghiên cứu để hiểu tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng dịch cao điểm tại TP. HCM năm 2021 lên sức khỏe tinh thần của người Việt và khả năng đương đầu của người Việt:

- Nghiên cứu thứ nhất: Sức bật tinh thần và các triệu chứng cơ thể của người Việt trong đại dịch Covid-19.

- Nghiên cứu thứ hai: Nghiên cứu về các biểu hiện tâm bệnh của người Việt và tác động của sự kiện (đại dịch Covid-19).

 

Đánh giá hiệu quả can thiệp (tham vấn-trị liệu nội dung 2): Sử dụng các công cụ đo lường tâm lý thích nghi với ngôn ngữ, bối cảnh văn hóa Việt Nam để đánh giá đầu vào (pre-intervention) và đánh giá hiệu quả can thiệp đầu ra (post-intervention).

Lượng giá chương trình: Thông qua các hoạt động triển khai thực tiễn và nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu sẽ trao đổi, tổng kết, đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho thành phố trong công tác hỗ trợ tâm lý cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Minh Tuệ