Nhật Bản: Xuất hiện một loại biến thể Delta mới với nhiều ca mắc

(SHTT) - Truyền thông Nhật Bản mới đây cho biết, các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha. Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về biến chủng mới này.

Cụ thể, hãng tin Jiji Press dẫn nguồn tin từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo cho biết các nhà khoa học tại đây đã phát hiện loại biến thể Delta mới này ở một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8.

 

Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc cộng đồng, do đó, có nhiều ý kiến cho rằng biến chủng mới này được hình thành ngay tại Nhật Bản mà không do lây lan theo đường di trú từ nước ngoài. 

Jiji Press cũng thông tin thêm rằng, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.

Được biết, hiện tại tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản cũng đang diễn biến vô cùng phức tạp, bên cạnh việc đối phó với các ca bệnh mới, việc nhiều lo vaccine nhập khẩu chứa tạp chất cũng khiến công tác phòng, chống dịch tại nước này trở nên thêm khó khăn.

 Nam Phi phát hiện biến thể Covid-19 mới, nguy hiểm gấp nhiều lần 

Trong một diễn biến liên quan, Nam Phi mới đây cũng đã phát hiện  biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở nước này có thể gây nguy hiểm hơn và kháng vaccine mạnh hơn so với những biến thể trước đây. 

Được biết đến dưới tên gọi là C.1.2, biến thể này chứa nhiều đột biến nhất so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc. C.1.2 được giám sát bởi nhóm nhà nghiên cứu tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Trung tâm Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal.

 Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng biến thể C.1.2 có các đột biến giống với loại xuất hiện trên bốn biến thể bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách đáng lo ngại trên toàn cầu. Các đột biến này được cho là liên quan tới khả năng kéo dài thời gian điều trị và tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng. 

Ngoài những biến đổi giúp gia tăng khả năng lây nhiễm và giảm tác dụng của kháng thể, C.1.2 còn có những đột biến đáng lo ngại, có thể tăng khả năng lây nhiễm thông qua năng lực tự sinh sôi của nó.

Biến thể này lần đầu được phát hiện tại Nam Phi và lan đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Congo, Mauritius, New Zealand, Anh, Bồ Đào Nha và Thuỵ Sĩ.

Trong bài đăng trên trang dữ liệu y tế medRxiv.org, các nhà khoa học đã giải thích kỹ lưỡng về việc C.1.2 có khả năng lẩn tránh khỏi những kháng thể trung hoà nhóm 3 gặp ở người khỏi bệnh hay được tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Thông tin về biến thể mới ở Nam Phi được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới - cả những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao - đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của số ca mắc và số ca nhập viện vì biến thể Delta.

Thái An