Chiến dịch phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 được đẩy mạnh

(SHTT) - Dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang diễn biến khá phức tạp ở Trung Quốc và có nhiều nguy cơ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Tại một số tỉnh đứng đầu về gia súc gia cầm đã nhanh chóng chủ động triển khai những biện pháp tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.

Bộ Y tế đã phát động chiến dịch ngăn chặn dịch cúm A/H7N9 trên cả nước và cảnh báo diễn biến phức tạp của nó tại Trung Quốc. Tại đây đã có nhiều trường hợp mắc và tỷ lệ tử vong lên tới 40%. Cùng với H7N9 thì A/H5N1 cũng đang bùng phát tại Campuchia và sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam.

 Chiến dịch phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 được đẩy mạnh. Ảnh: Báo Tây Ninh

Hiện tại thời tiết ở Việt Nam khá lạnh, đây là điều kiện thuận lợi để các loại virus xâm nhập và phát triển, kinh tế giao thương giữa nước ta và các nước láng giềng cũng khá thuận lợi nên nguy cơ các dịch cúm trên sẽ xâm nhập, lây lan sang Việt Nam là khá lớn.

Mặc dù hiện tại dịch cúm chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng các cơ quan chức năng của một số tỉnh thành đã đẩy mạnh công tác phòng, chống.

Là một tỉnh thành giáp Trung Quốc nên Quảng Ninh triển khai tương đối đồng bộ công tác trên. Tỉnh đã chú trọng công tác quản lý buôn bán gia cầm trong vấn đề nhập lậu, trao đổi gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa bởi đây là con đường gây xâm nhập dịch cúm rất cao.

 Nhiều biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 đã được triển khai

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã hướng dẫn người dân phòng dịch tại các cơ sở nuôi gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn.

Chu cục trưởng Chi cục thú y Quảng Ninh, ông Đoàn Duy Ái cho hay Chi cục thú y đã tổ chức triển khai gấp và thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc người dân, tuyên truyền để người dân không tiếp tay buôn bán và sử dụng những thực phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một số hộ dân cũng đã chủ động phòng chống dịch bằng cách rắc vôi, phun thuốc khử trùng.

Trong khi đó ở tỉnh Tây Ninh, đã ban hành công văn số 552 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm lây truyền sang người.

 

Ngoài việc bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh gia cầm trái phép thì UBND tỉnh Tây Ninh cũng chủ động giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm và phối hợp với ngành Y tế để triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa dịch bệnh lây truyền sang người.

Đặc biệt, với Chi cục thú y tỉnh Phú Thọ thì đã tổ chức lấy 300 mẫu kép để giám sát lưu hành vi rút gia cầm tại 60 xã, tiến hành xét nghiệm xác định khả năng xuất hiện dịch bệnh. Không chỉ vậy, tỉnh còn chuẩn bị hơn 8.900 lít hóa chất phục vụ phun khử trùng tiêu độc tại tất cả các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, nhỏ lẻ, các cơ sở chế biến, giết mổ, buôn bán và các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông qua địa bàn.

PV