Quá trình thực hiện ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam

(SHTT) - Ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam đã được thực hiện thành công với sự phối hợp của các bác sĩ bệnh viện 103 - Học viện Quân y và các chuyên gia Nhật Bản vào ngày 21/2, giúp cứu sống một bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang.

Được biết bệnh nhi đó là cháu Lý Chương Bình, 7 tuổi, dân tộc Dao, ngụ tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang và 2 người cho phổi cháu là bố ruột, 29 tuổi và bác ruột, 30 tuổi. Mỗi người đã cho 1 thùy phổi dưới để ghép cho bệnh nhi.

Vào ngày 14/11/2016, cháu Bình đã được bệnh viện Nhi TƯ chuyển sang bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi khiến 2 lá phổi chứa đầy nước và thường xuyên nhiễm trùng.

Ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam đã được thực hiện thành công

Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành khám, xét nghiệm cũng như mời các chuyên gia đầu ngành bên Nhật Bản về nước để cùng hội chẩn. Sau khi họp, các bác sĩ đã quyết định tiến hành ghép phổi cho cháu Bình bởi bệnh nhi đã bị biến chứng hô hấp trầm trọng, tâm phế mạn và suy dinh dưỡng độ 3, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Giám đốc Học viện Quân y, Thiếu tướng, giáo sư Đỗ Quyết cũng cho biết rằng đây là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam và nằm trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người chết não".

Ca phẫu thuật trên được kéo dài trong hơn 10 giờ đồng hồ, từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút ngày 21/2 với sự phối hợp của GS Oto Takahiro, ĐH Okayama.

 Quá trình thực hiện ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam

Vì thể trạng của bệnh nhi rất yếu nên các bác sĩ đã phải rất cẩn thận khi lấy tạng từ 2 người và dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Theo chia sẻ của GS Quyết thì phẫu thuật ghép phổi khó hơn rất nhiều các ca phẫu thuật ghép tạng khác bởi nó có nhiều nguy cơ gây nhiễm trùng ngay lập tức do trong quá trình hồi sức, bôi rửa, phần thùy gan cho đã bị tổn thương. Bệnh nhân sẽ có nhiều nguy cơ bị rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn hô hấp.

Đồng thời, ông cũng cho biết rằng việc hiến phổi không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi trong phổi có 2 buồng, buồng trái có 2 thùy, buồng phải có 3 thùy, cùng với đó, phổi có chức năng giãn nở rất tốt nên khi cắt 1 thùy, 1 phần phổi thì thời gian ngắn sau đó phổi có thể giãn nở chiếm đầy khoang.

 

Đặc biệt, trong y văn từng ghi nhận rằng với những bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính, sau khi cắt 1 phần phổi, chức năng phổi sẽ tốt hơn.

Về phía ông Oto Takahiro thì cho hay tỷ lệ sống thêm của các bệnh nhân sau 5 năm ghép phổi ở Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Đại học Okayama là 85%. Đây là kết quả đạt cao nhất trên thế giới về ghép phổi. 

Được biết hiện tại sau khi được chăm sóc thì sức khỏe của bệnh nhi đã tiến triển tốt, các chỉ số sinh tồn đã ổn định. Sức khỏe của 2 người hiến phổi cũng đã ổn định, đã rút ống nội khí quản, phổi nở ra bình thường.

PV