Hoa Lau vẫn trổ

(SHTT) - Có những cái nhìn và sự so sánh hình ảnh cao quý của các thầy cô giáo nhân mùa hiến chương, và đây là một hình ảnh đẹp được người trong cuộc bộc bạch.

 ... Chiều nay, cũng như bao buổi chiều tan sở khác, tôi một mình cưỡi xe hối hả trên đường, để kịp về lo bữa cơm tối cho các con. Những làn gió mát của mùa này thổi nhẹ làm cho tôi có cảm giác dễ chịu đến vô cùng. Thoạt nhìn về phía triền sông, tôi ngỡ ngàng khi thấy một màu trắng xoá dịu dàng của loài hoa lau dại. Ồ hoa lau đã trổ, tôi buột miệng thốt nên lời khi nhìn thấy màu trắng trinh nguyên của loài hoa lau mà tôi luôn yêu thích. Hoa lau đã trổ rồi nhỉ, đông đã về thật rồi sao!

hoa lau trổ trắng cả triền sông quê 

Sinh ra và lớn lên trên quê hương với bờ sông Thu trải dài đến tận biển. Chúng tôi được thừa hưởng những vẽ đẹp đến kỳ diệu của sông quê, nhưng cũng lắm gian nan khi sông giận dỗi. Thiên nhiên là vậy, luôn diệu kỳ và huyền bí. Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với dòng sông, với bờ lau trắng trải dài cùng bao kỷ niệm. Cũng từ đây, đã sản sinh nên những con người vĩ đại góp phần tô đẹp thêm cho đời. Thế hệ trước đi qua, thế hệ sau tiếp nối, tôi cũng được thừa hưởng từ cha ông truyền thống hiếu học, biết vươn lên cống hiền sức trẻ cho những gì mình hoài vọng. Chia tay với chân trời đại học, tôi trở về quê với mong muốn nhỏ nhoi là tiếp truyền cho thế hệ trẻ bằng nghề lựa chọn của mình, nghề nhà giáo!

Chiều nay, nhìn hoa lau trổ trắng xoá cả một vùng trời, tôi lại miên man nhớ về những kỷ niệm của một thời áo trắng, nhớ về trường lớp, bạn bè, nhớ hình bóng của thầy cô yêu quý. Của những mùa hoa lau trổ, của những trò tinh nghịch, ham chơi, của những buổi rong ruổi hái hoa lau quên cả giờ vào lớp. Hoa lau ngày xưa và ngày nay với người dân chúng tôi luôn là hình ảnh đẹp. Nó đẹp bởi sự trinh nguyên trong trắng của màu sắc, nó đẹp bởi cái mộc mạc chân thành, luôn dâng hiến hết mình dù có chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của cuộc đời. Hoa lau trắng còn đẹp trong lòng người bởi mỗi mùa lau đến, người dân chúng tôi như được thở phào nhẹ nhõm vì hoa lau trổ là báo hiệu mùa bão lũ đã đi qua, mùa mà người dân Miền trung luôn đau đấu lo sợ.

Nét đẹp đơn sơ của hoa lau trắng 

Giờ đây, thoáng chớp tôi đã trở thành cô giáo, bước vào ngành nghề mà tôi đã chọn để hiến dâng. Nghề mà ngày xưa, ngày còn mơ mộng tuổi học trò chúng tôi luôn có cái nhìn mơ ước mới cho quê hương. Luôn mong muốn làm sao để những con đường quê không còn bị ngập nước, không còn cảnh người dân phải vượt lũ để đi làm với bao rình rập hiểm nguy. Mong muốn những ngôi nhà tranh tre mái lá sẽ đổi thay thành những công trình kiên cố, để người dân quê tôi không phải nơm nớp mỗi khi bão lũ về. Những mong muốn đó đã thôi thúc và nuôi dưỡng ý chí cùng nghị lực của tôi để giờ đây, hơn 14 năm trên bục giảng, tôi luôn cảm nhận rằng; nghề nhà giáo là nghề của đầu ngành, nghề đã và sẽ sản sinh các ngành nghề khác. Như sự cho đi không cần đòi hỏi của những người mẹ, đó là tình cảm và sự chân thành của những người thầy, những cô giáo ở miền quê xa xôi đầy gian khó, họ đã và luôn là hình ảnh đẹp đáng trân quý trong mỗi chúng tôi cùng bao thế hệ học trò khác. Họ mãi hiến tặng cho đời những bông hoa tươi thắm, những nhà bác học vĩ đại, những kỹ sư lành nghề, cho quê hương ngày thêm đổi mới, cho cái khổ của người dân quê tôi ngày một phai đi mãi mãi. Ước mơ đó dù có xa, dù có khó, nhưng ước mơ đó là kỳ vọng lớn cho mỗi người làm nghề giáo như chúng tôi. Luôn cảm nhận được sự lớn lao của ngành để thôi thúc, nhắc nhớ và thể hiện mình trong mỗi lần đến lớp.

Mùa đông năm nay lại về, ngày nhà giáo lại về, những dáng hình cần cù, tận tuỵ, hiến dâng cho đời cả một bầu trời tri thức sẽ luôn ở mãi trong tôi và trong bao thế hệ. Để rồi hôm nay, tôi vẫn đủ năng lượng, hiên ngang đứng trên bục giảng tiếp truyền cho lớp lớp thế hệ trẻ, viết tiếp ước mơ xây dựng quê hương mới. Như hoa lau, vẫn trổ đều bông trinh trắng sau những ngày mưa lũ.

Đoàn Tuyền - Nhuận Mẫn