Dấu hiệu bệnh thủy đậu và cách điều trị

(SHTT) - Bệnh thủy đậu đang phát tán nhanh chóng ở khu vực miền Bắc khi thời tiết thay đổi thất thường. Số ca mắc căn bệnh này cũng tăng cao vì vậy mọi người cần nắm rõ những dấu hiệu bệnh thủy đậu để có thể điều trị kịp thời.

Bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân và kéo dài cho tới hết mùa xuân vì vậy đây là khoảng thời gian các tỉnh miền Bắc bước vào cao điểm của căn bệnh truyền nhiễm này. Tại một số bệnh viện lớn, số ca mắc bệnh đã tăng cao. Đặc biệt vào thời điểm này, căn bệnh thủy đậu không chỉ mắc ở trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng đang phải điều trị và gặp biến chứng nặng hơn trẻ em.

Đặc tính của bệnh thủy đậu là lây lan rất nhanh vì vậy nếu không kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp phòng ngừa thì những người xung quanh rất dễ bị lây từ người bệnh. Dưới đây là những dấu hiệu đầu tiên giúp phát hiện bệnh thủy đậu.

Dấu hiệu bệnh thủy đậu

Những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh thủy đậu đó là người bệnh sẽ bị sốt, đau đầu, đau cơ, chảy nước mũi, đau họng. Tiếp theo đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những nốt phỏng rạ nhỏ và chỉ trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành mụn nước.

Những nốt phỏng rạ sẽ mọc toàn thân và rải rác khắp cơ thể người bệnh. Với những người kịp thời điều trị thì chỉ sau 4 - 5 ngày, những mụn nước này sẽ khô đi, trở thành vảy và tự khỏi nhưng với nhiều trường hợp, bệnh thủy đậu sẽ gây ra nhiều biến chứng.

 Dấu hiệu bệnh thủy đậu và cách điều trị

Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… 

Những trường hợp này rất dễ gây tử vong, một số trường hợp còn mang di chứng thần kinh lâu dài như bị động kinh, bị khờ hay bị điếc. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu thì đứa trẻ được sinh ra sẽ dễ bị dị tật bẩm sinh.

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh thủy đậu

Biện pháp phòng ngừa thủy đậu chủ động và hiệu quả nhất chính là tiêm ngừa vaccine thủy đậu bởi khi đã tiêm chủng thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Với 10% còn lại nếu mắc thủy đậu thì cũng chỉ bị nhẹ và thường không bị biến chứng.

Khi mắc bệnh thủy đậu thì cách điều trị quan trọng nhất là làm sạch da và vệ sinh thân thể. Người bệnh nên được tắm rửa bằng các dung dịch sát khuẩn và thay quần áo nhiều lần trong ngày tuy nhiên cũng nên chú ý tránh cọ xát để không làm vỡ các nốt phỏng rạ. Cùng với đó, người bệnh cũng cần cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Với trẻ nhỏ thì người lớn cần cho trẻ mang bao tay, xoa bột tan vô khuẩn và phấn rôm khắp người để trẻ đỡ ngứa.

 Cách điều trị và phòng ngừa bệnh thủy đậu

Các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều quan niệm sai lầm trong việc điều trị thủy đậu. Nhiều người cho rằng bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng ăn tuy nhiên việc không tắm sẽ càng khiến bệnh càng nặng hơn, dễ dẫn đến nhiễm trùng và biến chứng. Thậm chí nhiều người lấy gốc rạ tắm hoặc đốt lấy nước uống nhưng cách này rất dễ dẫn đến ngộ độc.

Điều trị triệu chứng thủy đậu

Với trường hợp các nốt phỏng rạ bị vỡ, người bệnh nên chấm dung dịch xanh metylen vào những vết này, không được bôi mỡ tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ. Cùng với đó, người bệnh cũng nên dùng các loại thuốc kháng như chlopheniramin, loratadine… để chống ngứa. 

Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt cao thì có thể dùng acetaminophen. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên nhỏ mắt, mũi bằng thuốc sát khuẩn như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1% mỗi ngày 2 - 3 lần.

Đặc biệt người bệnh không được tự ý dùng thuốc kháng sinh. Mọi trường hợp nhất thiết phải được thầy thuốc thăm khám bệnh chỉ định và hướng dẫn cụ thể.

Giai đoạn vừa mới lành bệnh, cần phải tuyệt đối chống nắng và tránh cào gãi gây trầy xước. Bổ sung đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho da thông qua chế độ ăn hoặc thuốc uống. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và nghỉ ngơi nhiều.

Điều cần chú ý với người thân của người bệnh đó là hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Sau khi chăm sóc người bệnh thì mọi người phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Cùng với đó, mọi người cũng cần vệ sinh phòng ở của người bệnh sạch sẽ như lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch. 

PV