Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế

(SHTT) - Việt Nam đã và đang nỗ lực cố gắng thúc đẩy và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục.

 Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng được nhiều người quan tâm và có tác động lớn tới sự phát triển của kinh tế xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu rộng và toàn diện như hiện nay.

Việc xây dựng và phát triển một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện là một trong những nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào.

 PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ cho hay: "Năm 2020, Việt Nam mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân đã luôn nỗ lực thúc đẩy hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ đã đưa ra các kết quả nổi bật như lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhận được vẫn tăng 1,7%, trong đó đơn sáng chế tăng 3,8%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 4,3%, đặc biệt là đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay (24 đơn). Kết quả xử lý đơn SHCN đạt mức khá (tăng 8,3% so với năm 2019); lượng văn bằng bảo hộ SHCN cấp ra tăng 15,6% so với năm 2019, trong đó giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tăng gấp đôi, Bằng độc quyền sáng chế tăng 63% và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tăng 14,8% so với năm 2019".

Theo ông, việc thực hiện nghiêm túc bảo hộ sở hữu trí tuệ được coi là điều kiện cần thiết, tối thiểu mỗi khi hợp tác với quốc gia khác hoặc hội nhập quốc tế. Không có điều khoản về bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc thực thi kém sẽ dẫn đến việc bị loại bỏ khỏi cuộc chơi trong hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang nỗ lực cố gắng thúc đẩy và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là: Hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam chưa đầy đủ và thiếu đồng nhất; Hệ thống thực thi quyền SHTT bị chồng chéo, không hiệu quả; Thiếu vắng hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT; Lực lượng cán bộ xác lập quyền và thực thi quyền SHTT còn mỏng và tồn tại nhiều điểm yếu về chuyên môn và nhận thức; Thông tin sở hữu công nghiệp chưa hình thành hệ thống có tính chất mạng lưới thông tin và khai thác dữ liệu thống nhất trong cả nước; cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp chưa đầy đủ, chưa được số hóa hoàn toàn; Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về SHTT chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp và dài hạn; Nhận thức của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp về hệ thống SHTT chưa cao, ý thức chủ động tự bảo vệ quyền của mình cũng như tôn trọng quyền SHTT của người khác còn hạn chế. 

Với vai trò là Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ. PGS.TS. Mai Hà luôn trăn trở làm sao để giúp sở hữu trí tuệ tại Việt Nam ngày càng phát triển.

Minh Vân