Bộ Y tế không chọn phương án bắt buộc người dân tham gia hiến máu

(SHTT) - Theo đó, Bộ Y tế đã quyết định chọn giải pháp “quy định việc hiến máu là tự nguyện” đưa vào dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc, không đề xuất nội dung "bắt buộc công dân hiến máu một lần/năm".

Bộ Y tế không chọn phương án bắt buộc người dân tham gia hiến máu. Ảnh internet

Chiều ngày 9/1, trả lời báo chí về Luật về máu và tế gốc, đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế ông Nguyễn Huy Quang cho biết, Bộ Y tế không có đề xuất nội dung “bắt buộc công dân hiến máu một lần/năm” như một số thông tin được lan truyền trong thời gian gần đây.

Cũng theo ông Quang, việc hiến máu hiện nay tại Việt Nam dựa trên tinh thần tự nguyện của các cá nhân. Về "quy định bắt buộc hiến máu" chỉ là một trong những giải pháp đưa ra để thảo luận, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc, đang xây dựng trình Quốc hội xem xét và phê duyệt nhằm khắc phục được tình trạng thiếu máu để phục vụ cho hoạt động điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Đã là thảo luận thì có giải pháp nào chúng tôi đều phải đưa ra. Tuy nhiên, khi đưa bất kỳ nội dung nào vào dự thảo Luật, chúng tôi cũng thảo luận kỹ lưỡng và quyết định giải pháp quy định việc hiến máu là tự nguyện vào dự thảo”, ông Quang chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát cũng nhận thấy, đối với phương án giả định đầu tiên, tức là quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân, cũng có các mặt tích cực như, đảm bảo cung cấp một nguồn máu ổn định. Tuy nhiên để thực hiện chính sách này, về mặt kinh tế sẽ làm tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó có đến 580 tỷ đồng phục việc di chuyển trong quá trình đi hiến  máu.

Hơn nữa, việc thực hiện phương án này cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện lượng máu dư thừa không cần thiết và khá lớn lên đến 18,2 triệu đơn vị máu. Theo như tính toán của WHO thì một năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm tương đương với 18,2 triệu đơn vị máu và nếu quy định nghĩa vụ hiến máu của công dân thì sẽ có 46 triệu đơn máu/năm), thừa 28 triệu đơn vị.

Còn nếu hiến máu tự nguyện trong điều kiện lí tưởng, sẽ có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu. Tính ra, quy định bắt buộc người dân đi hiến máu sẽ làm tăng chi phí gấp đôi so với phương án hiến máu tự nguyện.

Qua xem xét và phân tích, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn giải pháp hiến máu là tự nguyện vì phù hợp với thực tiễn cũng như những quy định về luật pháp quốc tế (toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân). Đồng thời giải pháp hiến máu tự nguyện cũng giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội.

PV