Lận đận mùa mai tết

Ở thời điểm này những năm trước, các chủ vườn mai ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM tất bật cho mùa vụ duy nhất trong năm phục vụ tết cổ truyền dân tộc. Thương lái nhiều nơi tìm về “ bốc” những gốc mai đẹp nhất để chuyển đi khắp nơi. Tuy nhiên, mùa hoa tết năm nay, các nhà vườn lận đận, khốn khổ vì triều cường dâng cao trong mấy ngày đầu tháng 12.

Ông Lê Tấn Tư (63 tuổi) ở đường số 42, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, khu vườn của ông có trên dưới 1.000 gốc mai, chỉ hy vọng đến tết còn gốc nào thì được gốc đó. “Mai trồng tự nhiên, sức sống mạnh hơn mai ghép nhưng ngập nước mấy lần như vừa qua thì đành chịu, chưa kể nước phèn, nước bẩn từ kênh vào...” - ông Tư buồn rầu. Ông giải thích, vườn mai còn ngập úng kéo dài là do lúc vá đê đã đắp luôn đường ống thoát ra kênh khiến nước bị tắc. Vườn mai nhà ông Kiệt ở kế bên nhà ông Tư cũng chịu chung số phận khi toàn bộ vườn mai ngập trong nước trên dưới 50cm. Mai trồng tự nhiên, chủ yếu là bán gốc cho thương lái tại vườn, dao động từ 300 - 500 ngàn đồng/gốc (giá mai kiểng cao hơn, tính tiền triệu đến hàng trăm triệu/gốc mai). Theo dự tính, năm nay ông Kiệt xuất khoảng 1.000 gốc mai. Nếu không bán được thì thiệt hại của ông Kiệt mùa mai tết này cũng trên dưới 400 triệu đồng.

Nhiều chủ vườn không chịu ngồi yên, đã tìm mọi cách cứu vườn mai sắp đến mùa thu hoạch theo phương châm “còn nước còn tát”. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ nhà vườn mai kiểng Chí Công, bộc bạch nỗi lo lắng mùa mai tết của gia đình mình: “Nhà tôi vay vốn 1,5 tỷ đồng, đầu tư cho hơn 1.500 gốc mai tết. Chồng tôi mấy hôm nay ăn ngủ không yên, suốt ngày chỉ cắm cúi bên mấy gốc mai thôi. Ai cũng lo lắm!”. Nhưng theo anh Công (chồng chị) vẫn còn nhiều hy vọng: “Tính tới hôm nay, nếu mai như vầy thì coi như đã qua được, mặc dù chất lượng hoa không đạt 100%”. Anh kể, khi nước bắt đầu ngập, anh cùng vợ huy động thêm vài anh em khiêng mai lên cao. Nhiều gốc mai bị ngập phải nỗ lực tưới liên tục để rửa nước bẩn từ triều cường, vừa giúp cây giữ nhiệt để không bị rụng lá. Anh còn bỏ tro trấu và mạt cưa vào gốc mai để hút hết nước đọng trong chậu, giữ cho nền đất trong chậu khô thoáng. Theo nhiều hộ trồng mai, qua đợt ngập vừa rồi, tuy ra sức cứu mai qua được “ải” nhưng thiệt hại của mỗi hộ trong mùa hoa tết năm nay, dao động từ 10-30%, chứ không thể nào tránh khỏi.