Thầm lặng những bước chân người khai mở trí tuệ

(SHTT) - Đi qua những thăng trầm của cuộc sống, họ vẫn kiên trì làm việc, để đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nên mầm móng tri thức cho một con người; Họ là những kỹ sư, là thợ xây lành nghề - những cô giáo mầm non.

Nghề dạy học đúng là nghề cao quý. Từ xa xưa, tục ngữ cũng đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”… Điều đó thể hiện lòng trân trọng, kính yêu của dân tộc ta dành cho nghề nhà giáo, những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại. Xã hội đang tồn tại và phát triển rất nhiều nghề, nghề nào cũng quan trọng. Nhưng nghề nhà giáo vẫn là nghề đáng được tôn vinh và tự hào nhất. Bởi vì thầy cô giáo là người “vừa dạy chữ, vừa dạy cách làm người”. Sản phẩm của người thầy là con người. Người thầy tự nhân mình lên qua các học trò của mình. Người thầy giáo chính là những “Kỹ sư tâm hồn” gieo vào trí tuệ của học sinh những tri thức cao quý, những phẩm chất tốt đẹp của mình để tiếp tục được phát huy bền bỉ qua nhiều thế hệ.

Các cô giáo nuôi dạy trẻ luôn là diễn viên, là đạo diễn cho mỗi ngày vui. 

Không có gì cao cả hơn sứ mệnh đó! Những bàn tay nhà giáo để cầm phấn viết nên những dòng chữ mềm mại để truyền lại cho đời. Còn với những giáo viên mầm non, bàn tay như chưa hề có phút ngơi nghỉ,  họ chăm trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, cho đến dạy trẻ kiến thức, kỹ năng… Nhưng để cảm được “quả ngọt” từ nghề, các cô phải chắt chiu từng niềm vui, nỗi buồn trong tường buổi lên lớp.

Gặp gỡ và chia sẽ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Sở - Hiệu trưởng trường Mẫu Giáo Số 2 Nam Phước - Duy Xuyên - Quảng nam, đã có thâm niên hàng chục năm trong nghề dạy trẻ, cô tâm sự: “niềm vui khi được dõi theo những thế hệ học trò mình đã gắn bó, ngắm nhìn đôi mắt long lanh của trẻ thơ đầy khát vọng, say sưa nghe cô giảng bài;… Đó còn là niềm vui khi nhìn thấy sự tiến bộ của các em và nét rạng rỡ của phụ huynh mỗi buổi đón con về. Bản thân tôi hạnh phúc khi nhận ra: Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt và độc đáo. Với trẻ, không có gì là sai hoặc đúng, đúng hay sai là do chúng ta định hướng”.

Cô giáo Nguyễn Thị Sở - Hiệu trưởng trường Mẫu Giáo Số 2 Nam Phước, luôn đặt nhiệm vụ cao quý của nghề nhà giáo lên hàng đầu

Để làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình cùng với cái tâm trong nghề, họ không chỉ đa năng mà còn phải giỏi trong việc kiềm chế cảm xúc, kiên nhẫn trong giảng dạy, hiền từ và yêu thương. Trường mầm non được xem là môi trường giáo dục đầu tiên, trẻ ở độ tuổi búp măng là tương lai của một xã hội. Giáo viên mầm non không chỉ là người truyền đạt nhận thức mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Những hành động, lời nói, hình ảnh của các cô sẽ đi theo trẻ suốt cả chặng đường thời niên thiếu và hình thành trí tuệ, nhân cách một con người.

Môi trường nào, công việc nào cũng có những khó khăn, những thử thách, để vượt qua những khó khăn và thử thách trong cơ chế thị trường, đôi lúc các cô không khỏi nản lòng, mệt mỏi. Nhưng sau tất cả những điều đó, lý do luôn gắn bó với nghề, luôn mỉm cười chia sẻ của các cô; đó chính là ánh mắt, là nụ cười và sự tiến bộ mỗi ngày của các thiên thần nhỏ đáng yêu và đáng được yêu.

Cô giáo Hồ Thị Phương Loan đang chăm bón cho những thiên thần nhỏ 

Với cô giáo Hồ Thị Phương Loan Người đã đồng hành cùng những vui buồn của nghề nuôi dạy trẻ thì niềm vui dạy học được nhìn nhận một cách dễ thương và đầy trân trọng: “Trong cuộc sống có lẽ ít ai hiểu và cảm nhận được nghề giáo viên mầm non - công việc mà chúng tôi gọi vui là “ôsin có bằng cấp”. Ở đây, giáo viên sẽ kiêm nhiệm đồng thời các vai trò: là giáo viên, là diễn viên, là nghệ sĩ, rồi họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, thậm chí còn là lao công, tạp vụ… để chăm sóc lớp học của mình một cách chu toàn nhất”. cô Loan bộc bạch:

"Việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non mang lại cho giáo viên chúng tôi rất nhiều trải nghiệm, những cung bậc cảm xúc chan hòa cùng những năm tháng đầu đời của trẻ. Để rồi được nuôi dưỡng cảm xúc chân thành, đáng yêu đó của trẻ là niềm hạnh phúc bình dị nhưng đong đầy tình thương và bao dung của các cô như tình thương bao la của một người mẹ”. 

Những buổi học vui 

Chia tay với các cô giáo mầm non bằng những câu chuyện, những chia sẽ, những nụ cười tươi vui chân tình, chúng tôi nhìn nhau mĩm cười và thầm cảm ơn những tấm lòng bao la đó của những người mẹ, những người mẹ thứ hai của bé. Và rồi, tình yêu thương trẻ thơ sẽ là động lực không nhỏ để các cô gắn bó với nghề cao quý của mình. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và đồng hành từ phía phụ huynh, xã hội cũng sẽ là điểm tựa quan trọng để các cô chinh phục được những cung bậc thăng trầm của nghề nuôi dạy trẻ.

Những dấu chân thầm lặng hôm nay của các cô, sẽ làm nở rộ bông hoa trí tuệ và tri thức trong tâm hồn của mỗi một con người ngày mai.

Trương Đức Cần