Trường THCS Ba Đình (Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Chặng đường 30 năm phát triển và trưởng thành

(SHTT) – Trong suốt quá trình phát triển, Trường THCS Ba Đình (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. 30 năm chính là chặng đường lịch sử vẻ vang để nhà trường thực hiện vai trò và sứ mệnh cao cả - trồng người.

Trường THCS Ba Đình tiền thân là trường Phổ thông cơ sở Ba Đình. Năm 1990 trường được tách ra theo QĐ số 115-TC/UB ngày 08/9/1990 và có tên là trường Phổ thông cấp II Ba Đình. Sau khi tách trường, trường có 2 khối lớp: các lớp phổ thông và lớp năng khiếu. Hiệu trưởng đầu tiên là thầy giáo Trần Anh Thiết, phó Hiệu trưởng là nhà giáo ưu tú Trần Bá Cơ, trường có 18 lớp, 597 học sinh, 46 CBGV, NV.

Đến năm 1993, trường cấp II Ba Đình được chia tách thành 2 trường: Trường THCS năng khiếu Bỉm Sơn và Trường THCS Ba Đình. Thời điểm đó, trường THCS Ba Đình do Nhà giáo ưu tú Trần Bá Cơ làm Hiệu trưởng.

30 năm xây dựng và trưởng thành với bao khó khăn vất vả, ngôi trường nằm ở trung tâm thị xã Bỉm Sơn giờ đây tự hào là một ngôi trường có bề dày truyền thống về phong trào dạy và học xuất sắc.

 Trường THCS Ba Đình (Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Chặng đường 30 năm phát triển và trưởng thành

Với cơ sở vật chất ban đầu vô cùng thiếu thốn (Tiếp thu từ bệnh viện cũ của thị xã), đến tháng 7/1995, trường đã khởi công xây dựng dãy nhà A hai tầng gồm 10 phòng học và đưa vào sử dụng nhân dịp chào mừng 50 năm nước CHXHCN Việt Nam.

Tháng 12/2005, UBND và nhân dân địa phương đã khởi công xây dựng dãy nhà B ba tầng gồm 15 phòng học và chính thức đi vào sử dụng ngày 26/12/2006 nhằm chào mừng 25 năm thành lập Thị xã Bỉm Sơn. Đến tháng 4/2017, UBND phường tiếp tục đầu tư xây dựng khu nhà hiệu bộ với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.

Mặc dù trong chặng đường phát triển gặp nhiều khó khăn nhưng trường THCS Ba Đình vẫn duy trì và giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, là trường tốp đầu của Khối THCS.

 

Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục Kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh phát triển toàn diện như: Hàng năm tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, báo công thành tích học tập với Bác tại nhà tưởng niệm quê Bác, Kim Liên – Nghĩa Đàn, Tại quảng trường Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử đá chông K9, Khu di tích lịch sử lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, làng văn hoá dân tộc Việt Nam, trải nghiệm cùng lữ đoàn 368 Bỉm Sơn…

Đặc biệt, trường THCS Ba Đình luôn làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, từ thiện. Qua nhiều năm, trường đã vận động được số tiền lớn để giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lũ.

Nhờ những cố gắng đó, học sinh trường Ba Đình không chỉ được dạy dỗ đầy đủ, toàn diện về kiến thức khoa học phổ thông cơ bản, phát triển năng khiếu, khả năng sáng tạo, rèn luyện thể chất mà còn được phát triển và hoàn thiện các phẩm chất cá nhân cần thiết như: Kỹ năng sống đọc lập, tôn trọng lẫn nhau, hội nhập cộng đồng, lòng nhân ái, tình yêu thương và sự tự tin. 

 

Với những đóng góp lớn cho sự nghiệp trồng người, trường THCS Ba Đình đã vinh dự được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh và ngành Giáo dục - Đào tạo. như: Giấy khen Liên ngành cấp Tỉnh năm học 2019 – 2020; Giấy khen của Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn với Công đoàn trường THCS Ba Đình đã đạt TTXS  trong học tập, làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh; Tập thể lao động Xuất sắc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2016 – 2017; Đạt giải nhì Hội khoẻ Phù Đổng thị xã Bỉm Sơn năm 2015… Đó chỉ là một trong số ít những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm phát triển và trưởng thành.

Chia sẻ với báo chí, Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình, cô Lê Thị Liên cho hay trong những năm qua mặc dù nhà trường gặp nhiều khó khăn nhưng với ý chí phấn đấu của thầy cô và học sinh các thế hệ mà nhà trường đã đạt được nhiều thành tích như ngày hôm nay. Nhà trường luôn phát triển với sứ mệnh tạo dựng được môi trường học tập thân thiện, có chất lượng giáo dục cao. Giáo dục cho các thế hệ học sinh biết vượt qua mọi khó khăn, phát triển hết khả năng để trở thành người công dân có ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục hoàn thiện về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó tập trung không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về quan điểm giáo dục, tri thức, trình độ sư phạm cũng như tư cách và đạo đức nghề nghiệp người thầy. Tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy học sinh làm trọng tâm, giáo dục học sinh là tâm điểm hướng tới của tất cả mọi hoạt động trong nhà trường, lấy kết quả đầu ra của học sinh là thước đo chất lượng giáo dục toàn diện.

 Hồ Điệp - Xuân Khang