Tầm quan trọng của công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

(SHTT) - Tình trạng gian lận thương mại, không minh bạch trong xuất xứ sản phẩm hiện gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Vì vậy việc truy xuất nguồn gốc để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng là vấn đề cần phải làm ngay từ bây giờ.

Cùng với các hoạt động quản lý về An toàn thực phẩm như: quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quản lý công bố sản phẩm, quản lý nhãn hàng hóa thực phẩm v.v, thì việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang là một công cụ quản lý quan trọng trong số các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

“Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm thực phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối” (theo Truy xuất nguồn gốc thực phẩm và thu hồi sản phẩm thực phẩm -PGS.TS Trần Đáng, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội 2018). Theo Điều 18, Tiêu chuẩn EC 178/2002: “Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối”.

 Tầm quan trọng của công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Trong bối cảnh gia tăng các mối lo ngại về thực phẩm mất an toàn giai đoạn hiện nay, mục tiêu của hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm là xác định nguyên nhân gây nên sự cố về an toàn thực phẩm; xác định tính chính xác trong hồ sơ công bố sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất; cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng cho cơ quan quản lý và khách hàng; tạo điều kiện cho việc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo chất lượng một cách nhanh chóng, chính xác.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch bệnh Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng ở tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét ở góc độ tích cực, chính Covid-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Và chính công nghệ cũng giữ vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Dẫn chứng cụ thể, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cofidec - doanh nghiệp đang ứng dụng truy xuất nguồn gốc 4.0 đối với mặt hàng cà tím chế biến xuất khẩu vào Nhật Bản cho hay, khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải xác định được đúng thời điểm ghi nhận thông tin đó, ví dụ như: thời điểm xuống giống, thời điểm bón phân, thu hoạch... Nhưng hiện nay, phương pháp truy xuất nguồn gốc chủ yếu được thực hiện bằng cách người nông dân ghi chép sổ sách bằng tay rồi cung cấp lại cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lại, gọi đó là truy xuất nguồn gốc. Điều này dẫn đến tình trạng ghi thông tin sai lệch, chưa chính xác thậm chí không đúng sự thật. Bởi vậy, việc sử dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng điện tử là giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.

Hải Châu