Những điều chỉnh trong thẩm định SGK lớp 2, lớp 6

(SHTT) - Sau khi hoàn thành khâu thẩm định, các bản mẫu sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để các địa phương lựa chọn, sử dụng từ năm học 2021-2022 ở các trường tiểu học trên cả nước.

 Bộ GD&ĐT vừa thông báo tổ chức thẩm định vòng 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 2 bắt đầu từ 15/11.

Để thẩm định SGK lớp 1, năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt gồm 15 thành viên.

Tuy nhiên, trong 5 bộ SGK lớp 1 được Hội đồng thẩm định thông qua, bộ SGK Cánh Diều (của Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM biên soạn, phát hành) có khá nhiều lỗi và bị dư luận phản ứng. Bộ GD&ĐT phải làm việc lại với Hội đồng thẩm định quốc gia và quyết định thay thế một số dữ liệu cho phù hợp.

 Những điều chỉnh trong thẩm định SGK lớp 2, lớp 6

Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, tại kỳ họp Quốc hội,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo khá cương quyết như thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định đối với môn Tiếng Việt. Theo ông Đam, hiện nay, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý bởi để tránh được những sai sót tương tự thì phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

“Tôi đã chỉ đạo bộ tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để nghe góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến chưa đúng thì phản hồi lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả vì tương lai đất nước và của con cháu”, ông Đam nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1 mới thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng ở trong công tác thẩm định SGK.

“Trước đây, các nhà xuất bản, tác giả chủ động phối hợp tổ chức việc thực nghiệm, tới đây, sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD&ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn”, ông Độ nói. Một điều chỉnh nữa là tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản gửi tới Bộ GD&ĐT để thẩm định. Theo đó, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua vòng lọc đầu tiên này, nhà xuất bản mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD&ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn.

Cuối cùng, sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK.

Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Hải Châu