Nợ nhóm 2 tăng mạnh: Dấu hiệu “ủ bệnh” của các ngân hàng

(SHTT) - Nửa đầu năm 2020, nợ nhóm 2 tại Vietcombank tăng vọt 202%, lên mức gần 7.725 tỷ đồng.

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với những con số lợi nhuận khá ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh nợ xấu đang gia tăng đáng kể thì nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của các ngân hàng cũng có xu hướng “phình to”.

Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc nợ nhóm 2 nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao. 

Tại ngân hàng Vietcombank, ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm thì hiện nay lại là ngân hàng có mức tăng trưởng nợ nhóm 2 cao nhất nhì hệ thống.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, nợ nhóm 2 tăng vọt 202% so với cuối năm trước, lên mức gần 7.725 tỷ đồng, tức tăng tới 4.686 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận nợ nhóm 2 tăng đáng kể chẳng hạn như VIB, Sacombank,…

Tại VIB, tính đến cuối tháng 6/2020, nợ nhóm 2 tăng mạnh 114% so với cuối năm trước, lên mức 3.072 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài nợ nhóm 2 tăng mạnh, các nhóm nợ khác tại VIB cũng tăng đáng kể. 

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt 80% so với cuối năm trước, lên mức gần 731 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 50%, lên mức hơn 557 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%, lên mức hơn 1.979 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tại VIB tính đến ngày 30/6/2020 ở mức hơn 3.267 tỷ đồng trong khi cuối năm trước chỉ ở mức hơn 2.536 tỷ đồng. 

Nhóm nợ tại VIB. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại VIB.)

Còn tại Sacombank, tính đến ngày 30/6/2020, nợ nhóm 2 tăng 63% so với cuối năm trước, ở mức hơn 1.345 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý tại Sacombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại Sacombank.)

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán mức nợ xấu hiện tại chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng tài sản của các nhà băng khi mà các khách hàng bị ảnh hưởng từ COVID-19 đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Các khoản nợ được tái cơ cấu, gia hạn,.. và được giữ nguyên nhóm nợ. 

Do đó, chính sách này đã ảnh hướng tới chất lượng khoản vay của các ngân hàng. Đồng thời, con số nợ xấu sẽ còn tăng cao trong năm 2021 khi chính sách ưu đãi trên hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.

Ở một diễn biến khác, kết thúc 6 tháng đầu năm, BIDV tiếp tục là "quán quân" về số dư nợ xấu với 22.767 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm cuối năm trước. Trong khi đó dự nợ khách hàng chỉ tăng rất khiêm tốn 2%, khiến tỉ lệ nợ xấu kéo từ 1,77% lên 2,03%.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại BIDV.

Tuy nhiên, dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu không ai khác ngoài KienLongBank. Cụ thể, tính đến 30/6/2020, tổng nợ xấu nội bảng tại nhà băng này tăng mạnh 418% so với đầu năm, lên mức 2.249 tỷ đồng.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 - Nhóm nợ nguy hiểm) tăng vọt 798% so với cuối năm trước, ghi nhận gần 2.146 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng mạnh nhưng cho vay khách hàng tại KienLongBank cũng tăng cực kì khiêm tốn (tăng nhẹ 2% so với cuối năm trước, ghi nhận 34.146 tỷ đồng). Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của KLB tăng mạnh từ 1,02% lên 6,59%.

Hà Phương