Phân bón giả: Tinh vi không khác gì hàng thật

(SHTT) - Nhờ những kẽ hở trong quy định về sản xuất phân bón, nhiều đối tượng đã đưa ra thị trường nhiều mẫu phân bón giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất cây trồng.

Trên cả nước hiện nay có khoảng từ 800 đến 1000 các cơ sở sản xuất phân bón, trong khi đó có đến 50% mẫu khi được kiểm tra không đảm bảo đúng thông tin, về tiêu chuẩn chất lượng cũng như hàm lượng chất dinh dưỡng in trên bao bì. Nhiều cơ sở sản xuất đã lợi dụng những khe hở trong quản lí để sản xuất phân bón giả, gây thiệt hại cho người nông dân.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch hiệp hội phân bón cho biết: Tình trạng phân bón nhái theo thương hiệu đã giảm đi rõ rệt, tuy nhiên lại nở rộ lên phân bón kém chất lượng, trong khi đó thị trường này lại chủ yếu là tự phát, quản lí lỏng lẻo, khiến cho các sản phẩm không những chỉ xuất hiện trên thị trường mà còn vào tận phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch. 

 Phân bón giả: Tinh vi không khác gì hàng thật

 Việt Nam có tới 5.700 thì trên thế giới chỉ có khoảng 300 chủng loại phân bón khác nhau, điều này làm cho thị trường phân bón giả trở nên khó kiểm soát, đồng thời khiến những người có chuyên môn nhiều khi cũng không nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả trên thị trường.

Mặt khác, mức độ làm giả của mặt hàng này khá tinh vi, trong khi đó các chế tài  xử phạt chỉ dừng lại ở xử lí hành chính, những quy định thống nhất về thật giả cũng chưa rõ ràng, doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt vì số tiền nộp phạt quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được.

Theo như báo cáo của Cục Quản lí thị trường, bình quân mỗi năm ghi nhận 4000 cơ sở kinh doanh phân bón giả bị xử phạt hành chính. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn người nông dân phải bỏ tiền thật để mua phân bón giả về sử dụng.

Để có thể quản lí thị trường này một cách chặt chẽ, các chuyên gia và doanh nghiệp đã kiến nghị đến chính phủ, bổ sung nghị quyết 202 về quản lí phân bón, theo đó sẽ phân cấp rõ ràng cho từng địa phương, cùng với đó là nên thống nhất một cơ quan chủ quản, thay vì cả Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp như hiện nay.

PV