Người Hà Nội 'vét' sạch siêu thị trong đêm để tích trữ đồ ăn, phòng dịch corona

(SHTT) - Sau khi Bộ Y tế công bố ca thứ 17 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, nhiều người lo lắng hoảng loạn. Tại các siêu thị, người dân tập trung mua đồ để tích trữ đồ ăn. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã lên tiếng khuyến cáo.

Trong các cửa hàng tiện lợi, 12h đêm ngày 6/3, rạng sáng ngày 7/3, từng đoàn người đổ xô tới vơ vét các các mặt hàng nhu yếu phẩm như nước đóng chai, mì ăn liền, giấy vệ sinh,... Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các kệ hàng đã gần như trống trơn, các cửa hàng đều trong tình trạng "cháy hàng".

Các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả cũng nhanh chóng hết hàng. 

 
 
 Người dân vét sạch siêu thị ngay trong đêm. (Ảnh: Facebook Phương Lâm).

Đây cũng không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội hoảng loạn đổ xô đi tích trữ hàng hoá trước mỗi sự cố. 

Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng khẩu trang, nước rửa tay khi dịch Covid - 19 bùng phát. Giá khẩu trang y tế đã tăng từ 4-5 lần, thậm chí ghi nhận tình trạng tăng giá tới tới 20 lần so với giá trị gốc. 

Mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay đã trở nên khan hiếm từ đầu mùa dịch đến nay, do lượng cung không đủ cầu. Mặc dù các doanh nghiệp đã cam kết tung ra thị trường hàng triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn. 

Vào sáng 7/2, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông Bộ Y tế khuyến cáo người dân lúc này cần nhất là bình tĩnh.

“Đừng hoảng loạn, đừng vội vã chạy đi mua sắm, tích trữ đồ ăn thức uống, giấy vệ sinh. Mọi thứ sẽ được cung ứng đủ, không bị thiếu. Mua bán trong lúc này có thể buộc bạn phải xếp hàng rất dài, mà tập trung đông người trong một không gian hẹp là điều không nên. Vừa rồi chúng ta đã chống dịch rất tốt. Virus Corona chắc chắn không thể đánh bại chúng ta”, ông Cường nói.

Đối với những người ở trong khu vực Trúc Bạch, Times City ông Cường cũng khuyến cáo đừng hoảng loạn. Bởi nếu không tiếp xúc gần với những người đã tiếp xúc gần với với ca bệnh thứ 17 thì khả năng an toàn là rất cao. Vì thế, mọi người hãy thực hiện những biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế hướng dẫn, hãy lắng nghe lời khuyên của chính quyền và y tế sở tại.

Còn đối với những ai đã rời khỏi Times City tối qua đừng quên theo dõi sức khoẻ của mình; hợp tác với tổ dân phố và y tế nơi mình đến “sơ tán” để được hướng dẫn và trợ giúp.

Đặc biệt, với tất cả những ai đã và sắp trở về từ vùng có dịch, ông Cường đề nghị hãy trung thực khai báo y tế về những nơi mà mình đã đi qua, về tình trạng sức khoẻ của mình trong những ngày gần đây, hãy chủ động xin cách ly để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, của gia đình, bạn bè, người thân và của cả cộng đồng.

Trước đó, 22h tối 6/3, UBND Hà Nội đã có cuộc họp khẩn sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19. Bệnh nhân được xác định là Nguyễn Hồng Nhung, sinh năm 1993, hiện thường trú ở số 125 đường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, Nguyễn Hồng Nhung đã dương tính với virus Covid - 19. 

Bệnh nhân này đã nhanh chóng được cách li. Toàn bộ khu phố, bệnh viện nơi bệnh nhân từng đến đã được phong toả và phun thuốc sát khuẩn. 

Được biết trước khi được cách li, Nguyễn Hồng Nhung đã tiếp xúc gần với 8 người gồm bố, bác bệnh nhân, 5 người tạp vụ và một lái xe riêng. Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, số người tiếp xúc với bệnh nhân là 18 người. Ngoài ra, trên chuyến bay VN0054 có tổng cộng 197 hành khách và phi hành đoàn.

Hiện nay, sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân nêu trên đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho.

Vân Trà