Hưởng lợi từ đầu tư công, Hòa Phát báo lãi kỷ lục bất chấp dịch Covid-19

Lợi nhuận sau thuế tăng kỷ lục của Hòa Phát được cho nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đàu tư công. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng kéo theo số nợ phải trả của Hòa Phát cũng tăng kỷ lục.

Nửa đầu năm 2020, Công ty cổ Phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã trở thành doanh nghiệp hiếm có trong bối cảnh đại dịch Covid 19, khi các doanh nghiệp khác gặp khó khăn thì Hòa Phát lại chịu tác động “rất ít”, thậm chí hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công.

Năm 2020, thu về lợi nhuận cao

Theo BCTC hợp nhất quý III/2020, riêng quý 3/2020, Tập đoàn Hòa Phát đạt 24.900 tỷ đồng doanh thu tăng 62,7% và 3.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 98% kế hoạch cả năm, đây là con số cao nhất trong lịch sử sau 30 năm hoạt động của doanh nghiệp này. 

Lũy kế 9 tháng của Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019. Cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 đã vượt mức thực hiện năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế qua các năm của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Ndh.vn

Hiện, HPG đứng đầu về thị phần thép xây dựng. Thị phần nội địa nói chung của thép Hòa Phát ở mức 32,6%. Trong 9 tháng, HPG tiêu thụ gần 2,5 triệu thép xây dựng thành phẩm. Bên cạnh đó là khoảng 1,5 triệu tấn phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC). Chủ yếu nhờ sự đóng góp của khu liên hợp Dung Quất.

Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ của Tập đoàn vẫn tăng trưởng khá dù phải đối mặt không ít khó khăn do dịch Covid-19. Sau 9 tháng, sản phẩm ống thép đạt gần 570.000 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tôn Hòa Phát ghi nhận mức tăng trưởng tới 150% so với cùng kỳ.

Doanh thu đi lên khiến số nợ vay của Hòa Phát cũng tăng

Doanh thu và lợi nhuận đi lên kéo theo đó, giá trị vay nợ và chi phí vay của HPG quý vừa qua cũng tăng cao để phục vụ cho nhu cầu đầu tư cơ bản.

Trong BCTC hợp nhất quý III/2020 của HPG cho thấy, lũy kế 9 tháng doanh thu thuần tăng trưởng 41% đạt 64.340 tỷ đồng và lợi nhuận gộp gần 12.638 tỷ đồng, cao hơn 51% so với cùng kỳ 2019.

Điều này khiến chi phí tài chính của HPG tăng cao, tính riêng trong quý III tăng 116% lên 708 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt gần 2.062 tỷ đồng cao gấp 2,4 lần so với 9 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, các hạng mục chi phí tăng lên như: chi phí lãi vay tăng mạnh 132%, chi phí bán hàng tăng 18%, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 26% so với 9 tháng đầu năm 2019. Do vậy số nợ phải trả của Hòa Phát cũng tăng để phục vụ cho nhu cầu đầu tư cao, đạt gần 62.485 tỷ vào cuối tháng 9/2020, tăng 16% so với hồi đầu năm.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của HPG. 

Công ty cho biết, lĩnh vực thép và nông nghiệp là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý vừa qua. Ngoài ra, các lĩnh vực công nghiệp khác và bất động sản cũng có những đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn.

Hiện nay, HPG đang tập trung nguồn lực đáng kể cho dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất (Dự án Dung Quất),  để thúc đẩy doanh thu theo kế hoạch, dự kiến Lò cao số 3 và lò thổi số 4 sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 2021, hoàn thành toàn bộ dự án sau 4 năm được giấy phép đầu tư.

Trong năm qua, lĩnh vực thép trong nước phát triển vượt trội, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này đều đem lại lợi nhuận cao, như:

Tập đoàn Hoa Sen với lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.1000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ và gấp 2,8 lần so với kế hoạch.

Công ty Đầu tư Thương mại SMC cũng vừa công bố BCTC hợp nhất quý III với lãi sau thuế đạt 100 tỷ đồng, gấp 2,8 cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao nhất SMC ghi nhận trong 1 quý tính từ quý III/2016.

Hà Lê (t/h)