Dấu ấn tình nguyện

Hôm qua 12-8, hàng vạn gương mặt trẻ đã hội tụ niềm vui tuổi trẻ - trong chuỗi hoạt động của ngày hội những người tình nguyện diễn ra tại TP.HCM.

Đây là ngày hội quân của chiến sĩ các chiến dịch tình nguyện xuyên suốt hè 2012. Và cũng là ngày cuối cùng của chiến dịch Mùa hè xanh của chiến sĩ tình nguyện toàn TP.

Hội ngộ những tấm lòng

Từ sáng sớm, các nẻo đường đổ về khu hồ bán nguyệt đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) đã rộn ràng bước chân của những chiếc áo xanh. Có hơn 10.000 người tham gia đi bộ với chủ đề “Tiếp sức đến trường” này. Hơn 10.000 người tham gia đi bộ sáng qua là ngần ấy tấm lòng muốn sẻ chia với những tân sinh viên, học trò khó khăn không chùn bước trên con đường học vấn. Tại buổi đi bộ, các bạn trẻ đã cùng đóng góp để giúp sinh viên khó khăn đến trường.

Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã góp cho quỹ “Tiếp sức đến trường” 2012 hơn 4,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự kiến có đến 1.300 bạn được nhận học bổng (tổng giá trị 6,5 tỉ đồng) nên số tiền còn thiếu vẫn rất lớn. 50 suất học bổng đầu tiên đã được trao cho các bạn khó khăn, học giỏi ngay trước giờ xuất phát cuộc đi bộ.

Trong khi đó 20 y, bác sĩ trẻ của Bệnh viện Thống Nhất có mặt tại xã Hiệp Phước (Nhà Bè) từ sớm để kịp khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con. Bà Huỳnh Thị Tròn (75 tuổi), nhà ở ấp 4, kể: “Đau chân hổm rày mà không dám đi nhà thương vì sợ tốn tiền mua thuốc vì con cháu đứa nào cũng nghèo, được khám bệnh vầy tui vui lắm”. Những hộ khó khăn còn được tặng thẻ bảo hiểm y tế. Bà Trần Thanh Thử (50 tuổi) mừng rỡ: “Có thẻ này là đỡ lắm vì tui nghèo mà mắc bệnh tim hơn chục năm rồi, mấy tháng nay chưa có thẻ mới nên toàn phải vay nợ mua thuốc mà cũng không biết khi nào mới có tiền trả người ta”.

Tại mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh), các bạn trẻ chia thành từng nhóm nhỏ đi từng phòng trò chuyện và tặng quà cho các cụ. “Tâm tình cùng các cụ mình học được nhiều thứ, nhất là bài học về sự lạc quan trong cuộc sống” - Phương Trinh và nhóm bạn cùng Trường THPT Gia Định bày tỏ.

Cùng thời gian đó, trên nhiều tuyến đường của TP, các đội hình trực chốt an toàn giao thông đồng loạt ra quân giữ gìn trật tự đường phố. Cả trăm bạn trẻ Q.Phú Nhuận chia thành từng nhóm nhỏ làm vệ sinh dọc tuyến đường sắt và phát tờ rơi tuyên truyền trật tự giao thông.

Tính chuyện lâu dài

Có khá nhiều băn khoăn tại tọa đàm “Dấu ấn phong trào thanh niên tình nguyện” rằng phong trào tình nguyện vài năm trở lại đây có vẻ bão hòa, nhạt dần và ít chất hơn trước đó. Bạn Ngọc Anh (ĐH Mở TP.HCM) cho rằng không phải đơn vị nào cũng khảo sát cụ thể nhu cầu của địa phương nên đôi khi làm rất nhiều nhưng công trình để lại dấu ấn, có giá trị sử dụng lâu dài lại không nhiều.

Là những thành viên đầu tiên khởi phát phong trào thanh niên tình nguyện của TP, ông Nguyễn Phú Bình đề nghị phải tính tới mục tiêu kép: đó là tạo môi trường rèn luyện nhưng cũng phải gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội. “Không thể chỉ là các giá trị tinh thần mà còn phải là dấu ấn vật chất hiện hữu, các công trình cụ thể để lại của phong trào tình nguyện là gì. Mặt khác, phong trào tình nguyện trên diện rộng nhưng phải chuẩn chất và không thể chấp nhận những chiến sĩ tham gia cho vui” - ông Bình nói.

Cũng là một trong những thành viên khởi phát phong trào tình nguyện của ĐH Sư phạm TP.HCM, ông Huỳnh Công Ba đề xuất: “Nên kết hợp đội hình nhiều chuyên ngành, đồng thời gắn nhiều năm mới có thể giải quyết hiệu quả công việc tại một địa bàn”. Nhiều phát biểu khác lưu ý cần khảo sát chặt chẽ nhu cầu địa phương để thiết kế công việc phù hợp thực tế, cần có nhiều đề tài khoa học từ thực tế phát triển của địa phương để góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nơi chiến sĩ đến đóng quân, hay tính toán lại khi huy động lực lượng làm kênh vì mất sức anh em nhưng biện pháp bảo quản, ý thức duy trì kết quả không cao bởi nhiều kênh đã gần như trở lại như trước chỉ sau một tháng được làm sạch...

 

Biển đảo thân yêu

Tại ngày hội những người tình nguyện ở công viên Đầm Sen (TP.HCM), có một góc riêng để người dự hướng về đảo xa qua hoạt động “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng.

Thượng úy Đỗ Tất Nhật - người trực tiếp tham gia xây dựng công trình ở đảo Đá Tây, đang giao lưu cùng các chiến sĩ tình nguyện - kể: “Bất kể ngày đêm, cứ nước lớn chúng tôi chuyển vật tư, nước xuống thi công. Ba lần áp thấp, bốn cơn bão không thể khuất phục sự quyết tâm của anh em vì chúng tôi biết rằng đây không chỉ là một công trình xây dựng đơn thuần mà là kết tinh của vạn tấm lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước dành cho đảo xa”.

Tại buổi này, các bạn trẻ cũng có thể mua tượng trưng một viên đá (10.000 đồng/viên) để “góp đá xây Trường Sa”. Bạn Hồng Ngân (ĐH Ngân hàng) chia sẻ: “Chưa có cơ hội đến Trường Sa nhưng đọc các thông tin về biển đảo thấy trân trọng vô cùng sự hi sinh của các chiến sĩ. Đã là người VN mình nghĩ không thể không góp chút sức mình với biển đảo, chung tay góp đá xây Trường Sa”.