Mưa lũ sau bão số 3 làm 13 người chết và mất tích

Bão số 3 nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng tính đến ngày 21-8 đã làm ít nhất 13 người chết và mất tích… 

Dọn dẹp đổ nát sau bão lũ

Mưa lũ kéo dài hơn 2 ngày liền trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo sơ tán 42 hộ dân ở khu vực sạt lở huyện Mộc Châu về nơi an toàn trong khi 68 hộ dân đã bị ngập nước, bùn đất tràn vào nhà. Mưa lũ khiến hệ thống công trình thủy lợi, thoát nước và đường giao thông ở Sơn La bị tàn phá, hư hỏng nặng nề.

Ngày 21-8, mực nước sông Thao tại tỉnh Yên Bái đã bắt đầu xuống. Chính quyền và người dân khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Chỉ riêng tại TP Yên Bái, hơn 900 hộ dân ở các phường Hồng Hà, phường Nguyễn Thái Học, xã Tuy Lộc, phường Nam Cường… bị ngập nước, tốn nhiều công sức dọn dẹp nhà cửa, xử lý môi trường xung quanh. Không chỉ riêng TP Yên Bái mà các huyện như Trạm Tấu, Văn Yên, Mù Cang Chải… cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã huy động lực lượng và phương tiện là máy bơm công suất lớn, các dụng cụ cầm tay vệ sinh môi trường, giúp bà con thu dọn nhà cửa ổn định cuộc sống...

Chợ Quy Môn (thành phố Yên Bái) chìm trong nước lũ

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đã có 14 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi 2 nhà, 971 ngôi nhà bị ngập nước, 41 nhà bị tốc mái, 76 ngôi nhà bị hư hỏng do sạt lở ta luy, 1.511 hộ phải sơ tán trong mưa lũ. Hệ thống giao thông qua Yên Bái bị tê liệt từ ngày 20 đến sáng 21 nhưng chiều 21-8, quốc lộ 32 qua đèo Khau Phạ đã khắc phục xong sạt lở, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Yên Bái cũng vận hành trở lại, các điểm ách tắc trên tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang được khôi phục. Ước tính sơ bộ thiệt hại của tỉnh Yên Bái vào khoảng 100 tỷ đồng.

Quá nhiều thương vong

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương đến ngày 21-8 đã có 13 người chết vì mưa lũ do ảnh hưởng của mưa bão số 3 (Dianmu).

Còn theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm sập đổ, cuốn trôi và ngập hơn 2.000 ngôi nhà, hơn 21.500 gia đình phải di dời khẩn cấp. Từ ngày 20 đến ngày 21-8, nước lũ từ sông Hồng dâng cao, tràn về hạ lưu và đổ vào các sông nhánh như sông Đáy, sông Tích Giang, sông Đuống… Đến chiều 21-8, nhiều nơi nằm dọc sông Đáy và sông Tích thuộc địa bàn thủ đô Hà Nội cũng bị ngập lụt. Thiệt hại nặng nhất là nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng với hơn 10.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng, trong đó Hà Nội có 3.064 ha, Vĩnh Phúc có 2.560 ha lúa và 138 ha hoa màu bị ngập... Hiện các địa phương đang tập trung bơm tiêu úng, cứu lúa. Hà Nội đã vận hành 204 trạm bơm với 949 máy bơm tiêu các loại trong ngày 21-8 để cứu lúa.

Sau đợt mưa lớn kéo dài đã có 47/115 hồ chứa nước ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ tích đầy nước buộc phải xả tràn. Sáng 21-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình triển khai hạ thấp mực nước hồ thủy điện Hòa Bình theo quy định.

Nam bộ có mưa to

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay thời tiết ở đồng bằng Bắc bộ đã tốt dần lên nhưng ở miền núi phía Bắc vẫn có mưa lớn, nước sông Thao đang xuống song nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và sạt lở đất tại các tỉnh Yên Bái (đặc biệt là thành phố Yên Bái), Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… vẫn ở mức cao.

Tại Nam bộ, từ ngày 22 đến ngày 30-8 mây thay đổi đến nhiều mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. Riêng khoảng thời gian từ ngày 22 đến ngày 25-8 và sau đó từ ngày 28 đến ngày 31-8, Nam bộ sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Gió Tây Nam mạnh trở lại cấp 3. Cảnh giác với tố, lốc xoáy và gió giật mạnh trong cơn dông.