Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch: Những tín hiệu tích cực sau nhiều ngày thí điểm

(SHTT) - Người dân Hà Nội đang chờ đợi kết quả từ công nghệ làm sạch sông Tô Lịch. Bước đầu cho thấy, đã có sự cải thiện, thay đổi tương đối về mùi và màu sắc của nguồn nước ngay sau vài ngày thử nghiệm.

Sông Tô Lịch thay đổi như thế nào sau khi được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản?

Những ngày vừa qua, dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor đang nhận được sự quan tâm lớn.

Đúng như lời cam kết của phái đoàn chuyên gia Nhật Bản, sau 5 ngày (từ ngày 16/5) lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor, tại một đoạn sông Tô Lịch được chọn triển khai thí điểm, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.

 Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch: Những tín hiệu tích cực sau nhiều ngày thí điểm

Theo một số người dân sống quanh khu vực đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm hệ thống xử lý ô nhiễm, màu của nguồn nước sông đã sạch hơn, mùi hôi thối từ nguồn nước sông cũng đã giảm, đặc biệt là những ngày cao điểm nắng nóng.

Quan sát tại hiện trường có thể thấy, xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano-Bioreactor gồm những chiếc máy bơm cao áp tạo ra bọt khí nano siêu nhỏ, sục vào nước và bùn đất. Công nghệ này đã góp phần giúp cải thiện môi trường nước, từ màu sắc đến mùi của nguồn nước sông Tô Lịch.

Như vậy, với sự thay đổi trên về màu sắc của nước và giảm mùi hôi thối, người dân Thủ đô có thể hy vọng rằng dòng sông Tô Lịch sẽ sạch đẹp trở lại...

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch được thực hiện như thế nào?

Theo mô tả của nhà phân phối, công nghệ Nano Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano công nghệ Nhật. Hệ thống này sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.

Công nghệ này được hứa hẹn có 4 ưu điểm vượt trội so với các phương pháp xử lý khác đang áp dụng trên thế giới và ở Việt Nam.

 

Theo đó, tính năng tạo ra oxy của công nghệ Nano Bio giúp môi trường nước luôn giữ được nồng độ oxy cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt. Điều này tạo ra kỳ vọng khắc phục được tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây nếu được áp dụng lâu dài.

Ngoài ra, hệ thống có kết hợp việc đặt các máy sục khí kết hợp với bơm nước thải chìm tạo dòng tuần hoàn trong nước, tăng sự tiếp xúc của nước thải với tấm Bioreactor, tăng hiệu quả và tốc độ xử lý, giảm lượng bùn dưới đáy. 

Mỗi ngày, sông Tô Lịch có 150.000 m3 ngày đêm xả thải vào, trong khi đó "nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông" có công suất xử lý lên đến 1.350.000 m3/ngày đêm.

Như vậy, lượng xả vào chỉ bằng 1/10 lượng nước có thể xử lý, tốc độ xử lý của hệ thống cũng được mô tả bằng 6 lần tốc độ âm thanh. Do đó, nhiều hy vọng rằng thiết bị này sẽ giúp toàn bộ nước thải được làm sạch trong ngày. 

Công nghệ mới liệu có làm sông Tô Lịch sạch lâu dài?

Trả lời trên báo Lao Động, tiến sĩ Tadashi Yamamura (chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường) đã có những chia sẻ thẳng thắn về công nghệ mới. Ông cho biết: "Nhiều người hiểu sai về công nghệ Nano - Bioreactor. Họ cho rằng sông Tô Lịch giống như người bệnh, cứ phải bơm oxi liên tục và ngừng bơm là chết (tức là lại ô nhiễm) là hoàn toàn không chính xác. 

Trong dự án xử lý hồ điều hoà Hùng Thắng xả trực tiếp ra Vịnh Hạ Long, sau khi áp dụng Công nghệ Nano-Bioreactor của chúng tôi, chúng tôi còn đo được nồng độ oxi hoà tan trong nước (DO) lên tới 11,35 mg/l. Trong khi đó QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt quy định mức cao nhất là cột A1 chỉ có 6mg/l.

Công nghệ nano tạo ra oxi trực tiếp kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, yếu tố công nghệ Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật kị khí và cả 2 yếu tố này đều tạo ra oxi.

Đặc biệt yếu tố Bioreactor có khả năng kích hoạt gần như 100% các vi sinh vật trong môi trường. Các vi sinh vật làm nhiệm vụ tiết ra enzim, chúng làm điện ly các phân tử nước để giải phóng oxi trong nước. Bản thân công nghệ này tạo thành hệ thống tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông".

"Công nghệ Nano-Bioreactor khác hoàn toàn với công nghệ xây dựng hệ thống thu gom tách nước thải để đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung, công nghệ này chỉ xử lý được nước thu gom, nước bên ngoài chứ không xử lý nước từ bên trong lòng sông.

Còn công nghệ Nano-Bioreactor là công nghệ xử lý nước thải đặt ngay trong lòng sông, có công suất xử lý lên tới 1.350.000m3/ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải hàng ngày chưa qua xử lý chạy vào sông Tô Lịch, tốc độ xử lý đạt gấp 6 lần tốc độ âm thanh.

Nước thải khi chảy vào sông sẽ như là chảy vào nhà máy xử lý nước thải, mà lượng chảy vào chỉ bằng 1/9 lượng công suất xử lý nên hệ thống này sẽ xử lý triệt để nước ô nhiễm của sông Tô Lịch", tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết thêm.

Hà Linh