Sẽ bán 70% cổ phần ở Bệnh viện Giao thông vận tải

Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đã quyết định sẽ bán 70% cổ phần ở Bệnh viện GTVT nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường.

Tại cuộc họp về tiến độ cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp ngành giao thông diễn ra tại Bộ GTVT đầu tuần qua, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh cho biết: đang thẩm định phương án CPH  bệnh viện GTVT Trung ương để trình Chính phủ trong tháng 3 này.

Nếu việc CPH diễn ra theo đúng kế hoạch thì đây sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập lớn đầu tiên chính thức không còn được nhà nước bao cấp mà sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường.

Cuối năm 2014, bệnh viện này được định giá 158,4 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại đây là 136,5 tỉ đồng. Giá trị này không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thương hiệu.

Các cuộc họp bàn để xúc tiến việc CPH này đã diễn ra, và theo dự kiến, Bộ GTVT sẽ bán 70% cổ phần cho các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế, có liên doanh với nước ngoài đã bày tỏ ý định muốn mua số cổ phần bán ra.

Sau khi CPH bệnh viện này, Bộ GTVT dự kiến sẽ bán tiếp cổ phần ở một số đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc ngành hoạt động trong hệ thống y tế, giáo dục.

Vào trung tuần tháng 2-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này nhằm hiện thực hóa quyết định chuyển các đơn vị này sang hoạt động theo cơ chế thị trường, thay vì làm thí điểm như dự kiến trước đó. Quan điểm này được các bộ ngành ủng hộ để Chính phủ ra quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động trong thời gian sắp tới, như chỉ đạo của Thủ tướng đầu năm 2015.

Theo Nghị định, các đơn vị này sẽ được tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhân sự và tài chính trên nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao để khuyến khích các đơn vị tăng thu, giảm dần bao cấp từ ngân sách, giảm tối đa bao cấo về tiền lương, đảm bảo thu đủ bù chi và có lợi nhuận.

Nghị định này, có hiệu lực kể từ ngày 6-4 sắp tới, cũng quy định cụ thể về giá, phí dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó quy định rõ cách xác định giá dịch vụ không sử dụng kinh phí ngân sách và giá dịch vụ sử dụng kinh phí ngân sách.

Mức giá này theo lộ trình như sau:  Đến năm 2016, mức giá tính đủ tiền lương (theo lương ngạch, bậc, chức vụ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp). Đến năm 2018 mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định).  Đến năm 2020, mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Đối với các đơn vị có khả năng thực hiện sớm hơn, nghị định cũng đã căn cứ vào tình hình thực tế, cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện được thực hiện trước lộ trình nêu trên.